Việc Bắc Kinh sử dụng tàu khu trục để bám theo một tàu khu trục Mỹ ở Trường Sa cho thấy nước này đang thể hiện quyết tâm về tham vọng ở Biển Đông.
Mỹ cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Ảnh: US Navy
|
"Việc Mỹ điều tàu đến tuần tra sát các đảo do Trung Quốc xây dựng ởTrường Sa là vì lợi ích cũng như uy tín của nước này. Quan chức các cấp của Washington đã nói đến hoạt động tuần tra từ tháng 5, càng trì hoãn thì càng ảnh hưởng tới việc nói không đi đôi với làm", Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, trao đổi vớiVnExpress.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Lassen của Mỹ hôm 27/10 di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông, cho rằng đến nay rõ ràng Mỹ buộc phải hành động mạnh mẽ hơn. Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa đã phá vỡ niềm tin của các quốc gia, kể cả Mỹ. Nếu Washington chỉ "nói suông" thì vai trò của họ sẽ mờ nhạt. Hai Đảng của Mỹ đều gây sức ép với chính phủ. Thượng nghị sĩ John McCain trên trang web của mình đã hoan nghênh việc tuần tra và cho rằng việc này cần thực hiện sớm hơn.
Tiến sĩ Thủy lưu ý Trung Quốc đã cử tàu khu trục và và tàu tuần tra quốc phòng bám sát tàu Mỹ, cảnh báo là chính chứ không cản phá. Hải quân Trung Quốc hôm qua thông báo điều hai tàu khu trục tên lửa Lan Châu và Đài Châu bám sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái.
"Điều đó cho thấy Trung Quốc đã có sự chuẩn bị phương án kỹ, dùng tàu khu trục tên lửa Lan Châu, một trong những tàu hiện đại, mạnh nhất của Trung Quốc, vừa để phô trương 'sức mạnh' với Mỹ, vừa tuyên truyền trong nước về quyết tâm của hải quân", ông Thủy nói.
Việc Trung Quốc dùng tàu hải quân, thay vì tàu chấp pháp hay tàu cá như trong vụ tàu Impeccable, cũng để tránh va chạm dẫn đến đụng độ vì hải quân các nước quen thuộc với Bộ Quy tắc chống va chạm trên biển (CUES) và cẩn trọng hơn vì hậu quả nghiêm trọng hơn, ông Thủy phân tích.
Hồi tháng 3/2009, Washington cho biết Bắc Kinh điều 5 tàu áp sát tàu của Hải quân Mỹ trên Biển Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 120 km về phía nam. Thậm chí một tàu của Trung Quốc chỉ cách tàu Mỹ USNS Impeccable khoảng 7,5 mét.
Theo ông Thủy, trong bối cảnh Mỹ - Trung, hai cường quốc vừa cạnh tranh vừa hợp tác, Washington dùng các hoạt động tuần tra, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn không cho Bắc Kinh dùng các đảo nhân tạo này để đòi kiểm soát vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh. Điều này giúp đảm bảo lợi ích về kinh tế, an ninh và giá trị về tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Tàu khu trục của Mỹ không chỉ đi qua 12 hải lý đá Subi mà ở "trong nhiều giờ" có hoạt động do thám, chụp ảnh, cho thấy Mỹ chuyển thông điệp coi vùng biển này là vùng biển quốc tế, không thuộc lãnh hải.
Tuy nhiên, chuyên gia này đánh giá khó có thể xảy ra xung đột trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ. Đây là cuộc đấu truyền thông điệp của hai phía, sử dụng quy định của luật pháp quốc tế để gia tăng các quyền của các nước. Mỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, Trung Quốc phản ứng mức độ cho thấy hai bên có nhu cầu trong việc tránh đụng độ.
"Cả hai đều muốn tránh các va chạm nhỏ leo thang thành xung đột. Nội bộ Trung Quốc hiện có nhiều tiếng nói cho rằng chính phủ phản ứng quá yếu, điều này có thể tạo ra sức ép nội bộ, buộc Trung Quốc có thể phải phản ứng mạnh hơn ở các lần sau", ông Thủy nói.
Ông Việt dẫn lại một ví dụ về căng thẳng cao độ ở Biển Đông, khi các tàu Trung Quốc đâm va vào các tàu của Việt Nam hồi tháng 5 năm ngoái, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc đã huy động hơn 100 tàu các loại, cùng máy bay đến Hoàng Sa, đâm va và cản phá các tàu của Việt Nam khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại.
"Thời điểm đó không có xung đột. Các bên đều cố tránh, bên nào châm ngòi sẽ bất lợi rất lớn", ông Việt nói.
Mỹ chuyển thế chủ động
Theo ông Thủy, Biển Đông vốn đã là vấn đề nổi cộm trong quan hệ Trung - Mỹ, nay có thêm yếu tố mới là tranh cãi về tàu chiến đi gần các đảo. Dưới một góc độ nào đó, Mỹ đã trở thành một bên trong tranh chấp Biển Đông, không phải tranh chấp chủ quyền mà là tranh chấp "quyền". Mỹ đã thể hiện là bên "chủ động" thay vì "bị động" như trước đây.
Đề cập tới các lực lượng của Mỹ, Thạc sĩ Việt cho rằng lực lượng hải quân thường bao gồm tàu chiến, tàu ngầm, máy bay săn ngầm và máy bay, tức là có đầy đủ lực lượng trên mặt nước, dưới nước và trên không. Ông cũng đánh giá dựa trên diễn biến hiện nay thì Mỹ đang có khởi đầu thuận lợi trong việc tuần tra ở Trường Sa.
Các nước khác có thể không phát biểu công khai nhưng đa số đều hoan nghênh hành động của Mỹ, vì đa số gần đây đã thể hiến sự quan ngại đối với hoạt động mở rộng và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc. Bắc Kinh phải tính toán kỹ hơn các bước đi, đặt chiến lược Biển Đông trong tổng thể chính sách chung để hành động ở bên này không ảnh hưởng đến mục tiêu rộng hơn.
Mặc dù vậy, Trung Quốc chắc không vì thế mà dừng xây dựng trên đảo, thậm chí có thể mượn cớ để "quân sự hoá" các đảo đang chiếm đóng ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, vai trò ASEAN có thể bị ảnh hưởng. ASEAN cần chủ động hơn trong dẫn dắt tiến trình quản lý tranh chấp Biển Đông, tiến sĩ Thủy nêu cảnh báo.
Nói đến tác động tích cực của việc Mỹ điều tàu tuần tra vào Trường Sa, ông Thủy cho rằng việc này có thể khiến Trung Quốc phải điều chỉnh các tuyên bố và yêu sách cho phù hợp với Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Từ năm 2009 Bắc Kinh đã công bố đường 9 đoạn phi lý, gần như bao trọn cả khu vực Biển Đông, xâm phạm các khu vực thuộc quyền kiểm soát của các nước liên quan là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích yêu sách này của Bắc Kinh là phi lý.
"Trung Quốc sẽ phải căn cứ theo luật khi đưa ra các tuyên bố ở Biển Đông thời gian tới", ông Thủy nhấn mạnh.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét