Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Trung Quốc hay nói lấy được!

Phó Đô đốc Trung Quốc Viên Dự Bách vừa bị đập tơi bời như vậy, ấy thế mà tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình vẫn dõng dạc tuyên bố: Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa đã là của Trung Quốc (?!)

Tàu Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trên bãi Vành Khăn thuộc chủ quyền của Việt Nam
Mấy ngày trước khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên đường đi thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ngày 14/9/2015, tại Hội nghị về quốc phòng diễn ra ở Luân Đôn, Thủ đô nước Anh, có rất đông quan chức quốc phòng và quân sự thế giới tới dự, trong đó có cả hai Phó Đô đốc Hoa Kỳ và Nhật Bản, và đại diện nước chủ nhà, Phó Đô đốc Viên Dự Bách (Yuan Yubai), Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung Quốc đã ngạo mạn khẳng định: Biển Đông là của Trung Quốc, vì lẽ tên gọi quốc tế của biển này bằng tiếng Anh là South China Sea, nghĩa là của Trung Quốc (?!). Thậm chí ông này còn nói vùng biển rộng lớn đó đã thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Hán cai trị năm 206 - 220 trước Công Nguyên (?!).
Phát biểu này của vị Phó Đô đốc Trung Quốc bị nhiều phía lên tiếng nhạo báng và phản đối vì tính chất vô lý của nó. Tạp chí “Time” của Mỹ ngay ngày 15/9 viết: “Có gì trong một cái tên? Cả một cái biển nữa! Vậy thì Phó Đô đốc Viên Dự Bách có nghĩ rằng Ấn Độ Dương là của Ấn Độ hay Vịnh Mexico là của nước Mexico chỉ do tên gọi hay không?”.
Tại cuộc điều trần ở Thượng Nghị viện Mỹ ngày 17/9, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương cũng đả kích mạnh lý sự của ông Viên Dự Bách và tuyên bố: “Tôi cho rằng South China Sea (dịch sang tiếng Việt là biển Nam Trung Hoa) không thuộc về Trung Quốc, cũng giống như Vịnh Mexico không thể thuộc về Mexico”.
Lại cũng có người khác nhạo báng rằng, nếu cứ như cách nghĩ của ông Viên Dự Bách thì “Vịnh Thái Lan phải thuộc về Thái Lan” và vịnh Bắc Bộ nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc thì có nghĩa vịnh này thuộc về Việt Nam” cho dù ngay cả Trung Quốc cũng gọi là vịnh Bắc Bộ, trong khi vịnh Bắc Bộ lấy Bắc Việt Nam làm điểm gốc, thậm chí hai nước đã có Hiệp định phân chia tính từ biên giới biển Việt Nam và Hải Nam.
Người ta còn dẫn chứng thêm rằng tên South China Sea là do người Bồ Đào Nha đặt khi họ đi đến nơi này vào thế kỷ thứ XVI. Trung Quốc thời xưa gọi Biển Đông bằng nhiều tên: nhà Chu gọi là Nam Phương Hải; thời Xuân Thu chiến quốc gọi là Nam Hải; thời Đông Hán gọi là Trường Hải, nhưng tên được sử dụng nhiều thời nhà Thanh là Nam Hải. Điều này chẳng khác gì Việt Nam gọi nó là Biển Đông, tức là lấy vị trí của nước mình làm cơ sở để định vị biển và đặt tên biển. Giống như Philippines mới đây cũng đặt tên cho Biển Đông là biển Tây Philippines, cũng là theo chiều hướng đó.
Ông Phó Đô đốc Trung Quốc Viên Dự Bách vừa bị đập tơi bời như vậy, ấy thế mà tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Vườn Hồng của Nhà Trắng sau cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước, nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vẫn dõng dạc tuyên bố: Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) từ xa xưa đã là của Trung Quốc (?!).
Chỉ có điều ông không thể nói cụ thể được: Từ xa xưa là vào năm tháng nào hay là ông cũng không biết? Ông còn bênh vực cho yêu sách của Trung Quốc trong việc tự ý xây dựng trái phép trên các đảo chìm, các bãi san hô và các bãi đá ngầm ở Biển Đông các căn cứ quân sự và hậu cần phục vụ cho mục đích quân sự lâu dài của Trung Quốc trên con đường hàng hải quốc tế từ Âu sang Á - Thái Bình Dương quan trọng này.
Ông còn nói rằng hoạt động xây dựng trên những hòn đảo này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào; rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi mục tiêu quân sự hóa” (?!), và rằng “vì các đảo trên Biển Đông từ xa xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc nên Bắc Kinh có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển hợp pháp, chính đáng của mình”.
Nghe xong những ý kiến của Viên Dự Bách và ông Tập Cận Bình, có nhà báo đã đi tìm ngay cuốn sách “100 người đàn ông có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc” do Nhà xuất bản Nhân dân Quảng Đông ấn hành năm 1992 để tìm xem ý ông Tập nói “Tây Sa và Nam Sa từ xa xưa đã là của Trung Quốc” thì có nghĩa là từ năm nào.
Người ta tìm ngay đến nhân vật Trịnh Hòa, một nhà hàng hải kiệt xuất nhất đã giúp Trung Quốc thám hiểm nhiều vùng biển gần xa. Nhưng ông Trịnh Hòa lại sống vào khoảng từ năm 1371 đến 1434 chứ không phải vào thời nhà Hán cai trị năm 206 - 220 trước Công Nguyên như ông Viên Dự Bách nói và cũng là để giúp ông Tập phải tìm hiểu xem Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc từ năm tháng nào để nói cho chính xác. '
Đang có mặt tại Hoa Kỳ để dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã nghe được khá đầy đủ những ý kiến của nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Mỹ AP ngày 28/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý và các tài liệu lịch sử để bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình.
Chủ tịch Trương Tấn Sang công khai tố cáo việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông, coi đây là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải quốc tế và khu vực. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật thực tế là Biển Đông đang trở thành “một điểm nóng của khu vực và thế giới” do các hoạt động của Trung Quốc “bồi đắp trên quy mô lớn để biến các đảo ngầm thành đảo nổi rất lớn”.
Dẫn công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng “các hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế” cũng như bản tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. Chủ tịch nói: Điều quan ngại của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác “là điều tất nhiên và dễ hiểu vì các hành vi của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông”.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons