Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Trung Quốc bị "tố" phá đám đàm phán hòa bình Myanmar

Trang mạng The Diplomat dẫn lời giới chức Myanmar trong đó có trưởng đoàn đàm phán chính phủ nước này cho biết đã đến lúc chấm dứt “việc làm ngơ” về ảnh hưởng của Trung Quốc trong tiến trình đàm phán hòa bình giữa chính phủ Myanmar với các nhóm sắc tộc vũ trang.


Vòng đàm phán gần đây nhất tại Trung tâm đàm phán hòa bình Myanmar (Ảnh: Diplomat)
Vòng đàm phán gần đây nhất tại Trung tâm đàm phán hòa bình Myanmar (Ảnh: Diplomat)
Trưởng đoàn đàm phán chính phủ Myanmar giấu tên cho biết, Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán hòa bình tại Myanmar bằng việc xúi giục các nhóm sắc tộc vũ trang không ký vào bản thỏa thuận cam kết ngừng bắn, cũng như ngăn cản quan sát viên quốc tế giám sát tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt nội chiến kéo dài nhiều thập niên qua.
Giới chức Myanmar trước đó tiết lộ rằng, chính phủ Myanmar sẽ ký một thỏa thuận cam kết ngừng bắn vào ngày 15/10 tới đây với 8 trong số 15 nhóm sắc tộc vũ trang tại quốc gia này.
Min Zaw Oo, một quan chức cao cấp thuộc Trung tâm hòa bình (Myanmar) cho hay gần đây đặc phái viên của Bắc Kinh tại Myanmar đã gây sức ép lên hai nhóm sắc tộc vũ trang chính - bao gồm nhóm Quân đội nhà nước liên minh (UWSA) và Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) - không được ký vào bản thỏa thuận ngừng bắn nêu trên.
Bắc Kinh cũng phản đối các điều khoản trong bản thỏa thuận liên quan đến sự góp mặt của các quan sát viên quốc tế đến từ các nước phương Tây và Nhật Bản để giám sát việc kết thúc tiến trình đàm phán hòa bình cho Myanmar, ông Min Zaw Oo cho biết.
“Trung Quốc thường rêu rao rằng, họ mong muốn sự ổn định tại Myanmar, trong khi đó lại gây sức ép lên những nhóm sắc tộc vũ trang hoạt động dọc biên giới tiếp giáp với Trung Quốc không ký vào bản thỏa thuận ngừng bắn”, ông Min Zaw Oo nhấn mạnh.
Ông Min Zaw Oo chia sẻ thêm rằng bấy nay ông im lặng trước sự can thiệp của Trung Quốc và nay đã đến lúc không thể làm ngơ về việc này thêm nữa.
Theo trang mạng The Diplomat, việc Bắc Kinh can thiệp vào tình hình Myanmar là không có gì mới vì Bắc Kinh coi Naypyidaw là đối tác kinh tế chiến lược về song phương và mang tầm khu vực. Quan tâm trước nhất đó là duy trì ổn định tại vùng biên giới chung hai nước, trải dài 2.200km, nơi thường xảy ra xung đột sắc tộc, buôn bán ma túy, và bệnh dịch. Hơn nữa, giao thương giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Myanmar trị giá nhiều tỷ USD và hiện tại Myanamr cộng đồng người Hoa sinh sống lên đến 2 triệu người cũng là những vấn đề quan trọng không kém.
Đảm bảo sự ổn định cho Myanmar đồng nghĩa với việc can thiệp vào công việc nội bộ của Naypyidaw, đặc biệt tình hình bất ổn tại biên giới Myanmar đã lan sang lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng cho rằng sự ảnh hưởng tới Myanmar cũng đang bị đe dọa bởi sự can thiệp ngày càng gia tăng của những nhân tố mới liên quan đến Mỹ sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ đối với Naypyidaw.
Liên quan đến các nhóm sắc tộc vũ trang, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đứng đằng sau để giật dây nhóm KIO từ chối ký bản thỏa thuận, trong khi cung cấp vũ khí cho nhóm UWSA hay toan tính loại bỏ những nhân tố bên ngoài (Nhật Bản và các nước phương Tây) ra khỏi tiến trình đàm phán hòa bình.
Những phân tích của ông Min Zaw Oo đưa ra lúc này trở nên rất quan trọng bởi nó cho thấy dư luận nước này ngày càng bất bình về tiến trình đàm phán đang có nguy cơ rơi vào bế tắc do sự can thiệp của Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc trên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc ủng hộ các bên tại Myanmar trong việc giải quyết những bất đồng trong tiến trình đàm phán và ký bản thỏa thuận ngừng bắn trên quy mô toàn quốc trong thời gian sớm nhất”.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons