Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
|
Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 3/9 bất ngờ đưa ra tuyên bố cắt giảm 300.000 binh sĩ tại lễ duyệt binh tại Bắc Kinh, đánh dấu 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á. Quyết định này sẽ giảm 13% quân số của quân đội Trung Quốc (PLA), hiện ở mức 2,3 triệu binh sĩ.
Theo Reuters, một quan chức chính phủ, người thường xuyên tiếp xúc với các sĩ quan cấp cao, cho biết một số người trong nội bộ PLA cảm thấy tuyên bố đó quá vội vàng và ông Tập đã ra quyết định mà không nghe tham vấn bên ngoài Quân ủy Trung ương. Ông Tập là chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan nắm quyền chỉ huy quân đội.
"Quyết định quá đột ngột. Mọi người đang rất lo lắng. Rất nhiều sĩ quan giỏi sẽ mất việc và kế sinh nhai. Các binh sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn", quan chức giấu tên này nói.
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng phần đông sĩ quan và binh sĩ tán thành quyết định quan trọng này và tuân thủ mệnh lệnh. Bộ này cũng cho biết đợt cắt giảm sẽ gần như hoàn tất vào cuối năm 2017. Đây là đợt cắt giảm quân thứ 4 của Trung Quốc kể từ những năm 1980.
Các chuyên gia cho rằng, động thái trên có thể là một phần của kế hoạch sắp xếp lại PLA đã được thảo luận từ lâu, bao gồm thay đổi cấu trúc chỉ huy của PLA theo hướng khác đi so với mô hình theo kiểu thời Liên Xô. Đồng thời, Trung Quốc muốn chi tiêu nhiều hơn cho không quân và hải quân, khi Bắc Kinh đang muốn hiện thực hóa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Xem thêm: Diện mạo kiểu Mỹ của quân đội Trung Quốc
Ngay sau khi ông Tập thông báo quyết định, Xinhua đã đăng một bài viết dài, dẫn lời các binh sĩ lên tiếng ủng hộ quyết định của ông. Mỗi binh chủng của lực lượng vũ trang đều tin rằng việc cắt giảm quân số sẽ nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng, bài báo trên Xinhua viết.
Trong khi đó, các bài bình luận trên PLA Daily lại cảnh báo việc cắt giảm sẽ khó thực hiện. Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường đăng những bài bình luận phản ánh lập trường chính thức của cơ quan chủ quản của mình.
Thách thức
Quyết định cắt giảm quân số được đưa ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế lên cao ở Trung Quốc khi tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán sụp đổ, và bộ máy lãnh đạo đang xoay xở với các cải cách kinh tế, tuy khó nhưng cần được thực hiện.
Trước đây, Trung Quốc từng đối mặt với sự phản đối từ các binh sĩ giải ngũ. Họ than phiền rằng họ chưa nhận được đủ hỗ trợ để tìm công việc mới hoặc chưa được giúp đỡ về các vấn đề tài chính.
Có thông tin cho rằng hàng nghìn cựu chiến binh Trung Quốc hồi tháng 6 biểu tình về tiền lương hưu, nhưng Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ vụ việc.
PLA cũng chao đảo bởi chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng. Hàng chục sĩ quan cấp cao bị điều tra, bao gồm hai cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Chỉ một tuần sau cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh, PLA Daily đăng bài viết nói rằng việc cắt giảm binh sĩ và các cải cách quân sự khác mà ông Tập muốn tiến hành đòi hỏi "phải mở một cuộc tấn công vào các lập trường cố hữu", để thay đổi tư duy và nhổ tận gốc các quyền lợi cá nhân. Bài viết nhận định đây là các thách thức chưa có tiền lệ.
Nếu các cải cách này thất bại, các biện pháp sắp tới sẽ "chẳng hơn gì một tờ giấy trắng", bài bình luận viết.
Bài viết không nêu chi tiết kế hoạch cải cách, nhưng truyền thông nhà nước nói rằng các cải cách có khả năng đòi hỏi tất cả binh chủng của PLA thống nhất hơn.7 quân khu của Trung Quốc, vốn có cấu trúc chỉ huy riêng rẽ và có xu hướng tập trung vào hoạt động trên bộ, có thể sẽ bị cắt giảm.
Một bài bình luận khác trên PLA Daily đăng một tuần sau đó nêu chi tiết khó khăn mà ông Tập phải đối mặt. "Một số đơn vị đang trì trệ và cho rằng không cần thay đổi. Một số khác sợ khó khăn, đổ lỗi cho mọi người và mọi thứ trừ bản thân họ. Họ trốn tránh công việc và tìm cách để né khó khăn", bài bình luận viết.
Một nguồn tin chính phủ Trung Quốc thân cận với PLA tiết lộ các đoàn văn công quân đội giúp binh sĩ giải trí sẽ là đối tượng bị cắt giảm đầu tiên. "Ngân sách quốc phòng sẽ không bị cắt giảm mà sẽ tăng dần", nguồn tin này khẳng định.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay tăng 10,1% lên mức hơn 139 tỷ USD, xếp thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trong khi đó, một số tướng quân đội về hưu Trung Quốc ủng hộ kế hoạch cắt giảm binh sĩ.
"Quân đội quá cồng kềnh sẽ dẫn đến việc chi tiêu và thực chiến không hiệu quả", thiếu tướng về hưu La Viện, viết trên Global Times, ba ngày sau khi Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm binh sĩ.
Thiếu tướng về hưu Từ Quang Dụ, hiện là cố vấn cấp cao về kiểm soát vũ khí quân đội nói rằng: "Quân đội của nước ta cần đi theo hướng hiện đại hóa. Cắt giảm lực lượng là nỗ lực để duy trì con đường này và tăng chất lượng thay vì số lượng".
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét