Mỹ điều tàu hải quân nhằm thử thách cam kết của Trung Quốc, rằng không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Cam kết bất ngờ
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng đã bất ngờ đưa ra cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này tôn tạo trái phép trên Biển Đông.
Trong khi đó, báo chí Mỹ cho biết Hạm đội Thái Bình Dương của nước này đã sẵn sàng điều tàu tới tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh một trong những đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép và tiến hành cải tạo.
Ông Tập Cận Bình (trái) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama ở Nhà Trắng hôm 25/9
Tờ Wall Street Journal của Mỹ coi đây là liều thuốc thử đối với cam kết đầy “bất ngờ” của ông Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh, trong đó có Australia, dường như buộc phải hành động vì đang mất dần quyền kiểm soát chiến lược trong vùng biển này.
Tờ báo dẫn lời một quan chức Mỹ xác nhận nước này đã quyết định thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông nhưng không cho biết bao giờ sẽ thực hiện ý định đó và chính xác ở nơi nào.
Quan chức này nói với Wall Street Journal rằng “đây chỉ là vấn đề thời gian”, trong khi một quan chức khác cho biết các cuộc tuần tra sẽ diễn ra "trong vài ngày tới".
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) Harry Harris hôm 9/10 nói rằng Mỹ phải tiến hành các cuộc tuần tra trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương để thực thi quyền tự do hàng hải.
Trên khoang chiếc máy bay P-8A của Mỹ tuần tra qua đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông hồi tháng 5/2015
Tuy nhiên, Đô Đốc Harry Harris không nói rõ liệu các tàu hải quân Mỹ có tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép hay không.
Hãng tin Reuters dẫn lời Đô Đốc Harry Harris nói: “Tôi tin rằng Mỹ phải thực hiện quyền tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào chúng ta cần làm điều đó. Về vấn đề liệu chúng tôi có điều tàu hay máy bay vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới xây ở Biển Đông hay không, tôi xin trả lời sau”.
Đô Đốc Harry Harris lên tiếng sau những lời bình luận của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô Đốc Scott Swift tại Hội chợ Hàng Hải Quốc tế Thái Bình Dương 2015, rằng một số quốc gia muốn thâu tóm quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế “về cho riêng mình” một cách phi pháp.
Giới phân tích trước đó cũng chỉ ra những căn cứ để khẳng định Mỹ sẽ điều tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép.
Lý do đầu tiên chính là vì việc điều tàu chiến tới khu vực này đã nằm trong kế hoạch của Mỹ. Hồi tháng 5/2015, Mỹ đã điều máy bay trinh sát P8-A Poseidon tuần tra trên Biển Đông và bay qua đảo nhân tạo Trung Quốc đang cải tạo.
Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Obama đang chịu sức ép từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà về việc cần phải có những hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên Biển Đông.
Không những thế, giới phân tích coi hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông là hành động thách thức chính sách xoay trục của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nếu Mỹ không có hành động cứng rắn với Trung Quốc, vai trò và vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể sẽ bị suy giảm đáng kể.
Há miệng mắc quai?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng “các bên liên quan không nên có những hành động khiêu khích”.
Một trong những điều đang được dư luận chờ đợi là phản ứng từ phía Trung Quốc. Liệu Bắc Kinh có “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì đã trót hứa hay sẽ nuốt cam kết để có những hành động liều lĩnh như đã từng xảy ra trong quá khứ, bất chấp khả năng xảy ra va chạm hoặc xung đột?
Tàu hải quân USS Fort Worth của Mỹ hoạt động trên Biển Đông
Nhìn lại vụ máy bay trinh sát P8-A Poseidon của hải quân Mỹ bay qua đá Chữ Thập hồi tháng 5/2015, Trung Quốc lúc đó được cho là đã 8 lần gửi yêu cầu máy bay Mỹ phải rời khỏi khu vực thông qua sóng radio mà không hề có bất cứ hành động quân sự nào đáp trả.
Trước đó, hồi tháng 4/2012, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã chạm mặt với soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của hải quân Philippines trên vùng tranh chấp ở Biển Đông. Tình trạng đối đầu giữa hai bên được duy trì trong suốt gần một tháng với những cuộc điều động liên tiếp tại khu vực này.
Tuy vậy, cả Trung Quốc và Philippines dường như đều tránh đối đầu quân sự và tìm cách giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao.
Trung Quốc có thể điều các loại tàu khác nhau để ngăn chặn Mỹ
Với những vụ việc trên, giới phân tích nhận định có thể do lo ngại trước sức mạnh của Mỹ, Bắc Kinh không dám giải quyết các tình huống bằng hành động quân sự. Trong trường hợp của Phillipines thì sự hậu thuẫn của Mỹ đóng vai trò quyết định.
Về mặt dư luận, rõ ràng Trung Quốc đang đuối lý khi không có cơ sở pháp lý cũng như những bằng chứng lịch sử cho những tuyên bố chủ quyền phi lý của mình. Trung Quốc sẽ không được cộng đồng quốc tế ủng hộ trong trường hợp xảy ra tình huống trên Biển Đông.
Mặt khác, cả Mỹ và Trung Quốc hiện nay đều không muốn bùng phát xung đột vì có thể kéo theo hậu quả khó lượng.
Nhiều khả năng, khi Mỹ điều tàu hải quân tới khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông thì Trung Quốc cũng sẽ triển khai lực lượng hải quân. Hành động như vậy vừa nhằm uy hiếp, thể hiện sức mạnh quân sự với Mỹ, vừa làm cơ sở để giải quyết xung đột thông qua con đường ngoại giao.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét