Việc Trung Quốc khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) và sáng kiến “Con đường tơ lụa thế kỷ 21” (OBOR), hai gọng kìm trong chính sách đối ngoại của nước này, liệu có giúp Bắc Kinh đối trọng với Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương?
Lễ ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (Ảnh: The Diplomat)
Trung Quốc khởi xướng thành lập AIIB nhằm đối trọng lại Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong khi đưa ra sáng kiến “con đường tơ lụa” nhằm tranh giành sự ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, theo trang mạng Diplomat.
Tính đến tháng 9 năm nay, đã có 51 nước cam kết gia nhập AIIB, không bao gồm Mỹ và Nhật Bản. Ngân hàng AIIB sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Trong lịch sử Trung Quốc đã từng tham gia và ủng hộ Hiệp định Bretton Woods, nhưng Trung Quốc lại bất nhẫn trước các định chế tài chính đa phương như WB và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Lý do là nước này cho rằng sự chậm cải tổ WB và IMF đã cản trở Bắc Kinh và các nền kinh tế mới nổi đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế và thể chế chính trị toàn cầu.
Với sự ra đời của ngân hàng AIIB, Trung Quốc có tham vọng có thể trực tiếp nâng cao vị thế trên chính trường quốc tế với tư cách là một cường quốc.
Bắc Kinh cũng đưa ra sáng kiến “Con đường tơ lụa thế kỷ 21” (viết tắt OBOR) với một tham vọng chính trị lớn hơn. AIIB đóng vai trò rót vốn cho các dự án thuộc OBOR. AIIB sẽ hoạt động với vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ nâng gấp đôi lên 100 tỷ USD. Trong khi đó, số vốn đầu tư thuộc OBOR có thể lên đến 1.400 tỷ USD, gấp 12 lần kế hoạch Marshall có quy mô chỉ khoảng 120 tỷ USD trong lịch sử. Cả AIIB và OBOR sẽ giúp nâng cao thương mại, dịch vụ và lao động xuyên biên giới của Trung Quốc.
Với hai công cụ AIIB và OBOR, Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường vị thế và hình ảnh của một cường quốc có trách nhiệm. Các nhà phân tích cho rằng AIIB và OBOR thể hiện tham vọng chính trị và là những bước đi quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi mô hình nền kinh tế từ chỗ dựa vào xuất khẩu chuyển sang cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư. Quá trình trên được đẩy mạnh ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, vốn làm suy yếu các nền kinh tế phương Tây, thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc. Kết quả là, Trung Quốc buộc phải chuyển dòng đầu tư sang các quốc gia đang phát triển. Theo nghiên cứu gần đây của Ủy ban quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung Quốc cho hay, từ năm 2002 đến năm 2014, các công ty Trung Quốc đã rót gần 46 tỷ USD vào các thương vụ sáp nhập tại Mỹ, chủ yếu là trong năm năm gần đây và giải quyết công ăn việc làm cho 80.000 người Mỹ.
Trong nhiều năm qua, Mỹ và các đồng minh Châu Âu đã hối thúc Trung Quốc thực hiện những trách nhiệm quốc tế. Tuy nhiên, khi Trung Quốc thực thi trách nhiệm quốc tế thì Mỹ lại tỏ ra hoài nghi về những ý đồ đằng sau và thậm chí lo ngại về sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong thương mại toàn cầu, Tổng thống Mỹ Obama không muốn để Trung Quốc áp “luật chơi thương mại”.
Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc đang trong quá trình chuyển giao và Chủ tịch Tập Cận Bình đang tỏ ra là một lãnh đạo “mạnh mẽ và cứng rắn”. Tuy vậy, chính quyền của ông Tập đang vấp phải một loạt những thách thức trong nước như nạn tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, vấn đề dân số già và môi trường đang suy thoái. Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, khoảng 200 triệu người dân Trung Quốc đang sống trong nghèo đói.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Ngân hàng AIIB và OBOR là đòn đáp trả trực tiếp để đối trọng lại với chính sách của chính quyền Obama chuyển trục sang châu Á. Thậm chí một số còn tự tin thái quá rằng Trung Quốc có thể thay đổi trật tự thế giới. Đây có thể chỉ dừng ở những nhận xét, nhưng còn quá nhiều vấn đề đối nội cấp bách cần Bắc Kinh giải quyết.
Chưa hết thách thức
Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện sáng kiến lập ra Ngân hàng AIIB và con đường tơ lụa thế kỷ 21 (OBOR).
Thứ nhất, cả Mỹ và Nhật Bản chưa tham gia AIBB. Mặc dù AIIB có thể hoạt động tốt mà không cần sự tham gia của cả Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, sự góp mặt của Mỹ và Nhật Bản sẽ trở nên quan trọng vì sẽ giúp tăng vị thế tín nhiệm của AIIB. Chính vì vậy mà Trung Quốc coi AIIB là diễn đàn để cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Mỹ. Bắc Kinh xem ra sẽ nỗ lực hơn nữa để thuyết phục Mỹ và Nhật Bản cùng tham gia AIIB.
Thứ hai, vấn đề an ninh cũng rất quan trọng. Theo sáng kiến OBOR, Trung Quốc sẽ xây dựng 81.000km đường sắt cao tốc, hơn cả tổng chiều dài của đường sắt toàn cầu hiện nay, và sẽ trải dài tại 65 quốc gia. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ đứng ra bảo vệ các công trình này? Ví thử hành lang kinh tế Kashgar-Gwadar nối liền miền Tây Trung Quốc với Pakistan bằng đường bộ và đường ống vận chuyển khí đốt, và hành lang này sẽ chạy qua những vùng dễ bị tấn công nhất, nơi xảy ra các cuộc xung đột.
Một thách thức khác nữa là nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm cùng với dự trữ ngoại hối giảm sút thì việc rót vốn vào AIIB và sáng kiến OBOR sẽ thực sự là một vấn đề đáng lưu tâm.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lại phân tích rằng AIIB và TPP bổ trợ cho nhau. Hiệp định TPP vừa mới đạt được sẽ thiết lập các quy chế giao dịch thương mại mới trong khi AIIB lại hỗ trợ WB và ADB tương hỗ về tài chính cho hạ tầng tại các nền kinh tế mới nổi tại châu Á.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét