Đây là nhận định của ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, trong cuộc trao đổi với Zing.vn về hai hải đăng Trung Quốc vừa hoàn thành trên đá Châu Viên.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Tuổi Trẻ
- Trung Quốc vừa hoàn thành hai hải đăng trên đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Bắc Kinh?
- Việc Trung Quốc công bố hoàn thành xây dựng hai hải đăng trên quần đảo Trương Sa của Việt Nam nằm trong tính toán của Bắc Kinh. Họ tiến hành các việc tương tự từ rất lâu. Trung Quốc cũng xây nhiều công trình trên 7 đảo và rạn san hô mà nước này bồi lấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chúng đều nằm trong tính toán kỹ lưỡng của Bắc Kinh.
Thứ nhất, Trung Quốc dùng các công trình dân sự để đăng ký với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm sự thừa nhận chủ quyền. Hải đăng là một ví dụ cụ thể. Nếu các tổ chức hàng hải quốc tế ghi nhận vai trò của chúng trong việc đảm bảo giao thương đường biển thì Bắc Kinh đã đạt được mục đích.
Thứ hai, những công trình dân sự này còn phục vụ kế hoạch tuyên truyền của Bắc Kinh. Họ muốn thế giới thấy rằng việc bồi lấp các đảo chỉ đáp ứng các mục tiêu dân sự và đi lại trên biển. Trung Quốc cũng kêu gọi các quốc gia khác sử dụng những công trình này để họ gián tiếp thừa nhận yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.
- Ông chỉ rõ sự phi pháp của hai ngọn hải đăng và những công trình khác Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông?
- Đây là sự vi phạm rõ ràng. Thứ nhất, chúng được xây trên lãnh thổ Việt Nam. Chiếu theo luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc đánh chiếm, bồi lấp để biến những bãi cạn thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình trên đó là sự vi phạm không thể chối cãi. Thế giới không chấp thuận các hoạt động xây dựng trên lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền khi chưa được phép.
Ngoài ra, điều 4, điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nêu rõ các bên không làm thay đổi hiện trạng trên biển và “thực hiện việc kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”. Trung Quốc đã ký kết văn kiện này cùng các thành viên ASEAN ngày 4/11/2002 và có trách nhiệm phải tuân thủ nó.
Trên thực tế, các ngọn hải đăng của Trung Quốc có thể giúp đảm bảo giao thương đường biển, tránh va chạm giữa các tàu. Tuy nhiên, đằng sau đó là một âm mưu được tính toán kỹ lưỡng. Nó chính là cái bẫy pháp lý mà Trung Quốc đặt ra để giành sự công nhận của quốc tế với yêu sách chủ quyền.
- Việt Nam cần phải làm gì để đối phó với những động thái của Trung Quốc?
- Theo tôi, Việt Nam cần lên tiếng phản đối để cảnh báo cho thế giới về mưu toan của Bắc Kinh. Nếu chúng ta không phản đối, các tổ chức quốc tế có thể thừa nhận công trình của Trung Quốc vì lý do khoa học, kinh tế và đảm bảo giao thương hàng hải, qua đó gián tiếp thừa nhận yêu sách lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc dùng cách thức này để đoạt được yêu sách lãnh thổ. Trong quá khứ, Bắc Kinh từng đăng ký với Tổ chức Hàng hải Quốc tế về số hiệu hải đăng, các trạm khí tượng hoặc công trình đo mực nước biển và nhiều trong số đó đã được thừa nhận. Hiện nay, Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện phương thức này.
Tôi xin nhấn mạnh, chúng ta phải có tiếng nói phản đối mạnh mẽ với các động thái của Bắc Kinh.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét