Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Báo Nhật: Trung Quốc nhiều tiền nhưng không thể là lãnh đạo

Trung Quốc tiếp tục dùng tiền gia tăng ảnh hưởng nhưng bị chỉ trích không đủ tư cách lãnh đạo.

Mạnh vì gạo…
Báo chí Nhật Bản đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho công bố kế hoạch lập quỹ kết nối với các dự án kiến tạo hòa bình đa phương và của LHQ với số tiền là 1 tỷ USD.
Động thái này cho thấy ý định của Trung Quốc đang sử dụng tiềm lực kinh tế làm đòn bẩy để thực hiện mục tiêu gia tăng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, giới phân tích Nhật Bản bình luận, khó có thể cho rằng Trung Quốc đủ tư cách để lãnh đạo trật tự quốc tế khi mà nước này đang cho thấy âm mưu sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng Biển Hoa Đông và Biển Đông, động thái đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội đồng LHQ
Ngoài ra, trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc mới đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc tố cáo rằng quân đội quân phiệt Nhật Bản đã giết hại và làm bị thương 35 triệu người dân Trung Quốc.
Phản ứng trước cáo buộc này, Tokyo cho rằng Bắc Kinh đã không nói rõ Chủ tịch Trung Quốc đưa ra con số đó dựa trên cơ sở nào.
Cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang có những tuyên bố cứng rắn nhắm vào Nhật Bản liên quan tới vấn đề an ninh và lịch sử.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc đang xích lại gần Trung Quốc, và bằng chứng rõ ràng nhất là việc bà Park Geun-hye tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc kỷ niệm 70 kết thúc Thế chiến II.
Tokyo còn đặt câu hỏi phải chăng bà Park Geun-hye có ý định xem nhẹ khuôn khổ hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn trong các chính sách an ninh?
Trong bài diễn văn tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đề cập đến tình hình Đông Bắc Á và nói rằng “có một động thái mới có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an ninh, làm gia tăng quan ngại giữa các nước trong khu vực”.
Tổng thống Hàn Quốc cũng yêu cầu luật an ninh Nhật Bản nên được tiến hành một cách minh bạch.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye coi thường hợp tác với Mỹ-Nhật để về phe Trung Quốc?
Phía Nhật Bản đã phản ứng lại bằng lập luận rằng hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) là dựa trên luật pháp. Sự tán thành của Quốc hội và các đòi hỏi khác là cần thiết để khởi động các chiến dịch của SDF. Vì vậy, Tokyo cho rằng không có cơ sở để yêu cầu Nhật Bản phải đảm bảo sự minh bạch.
Tokyo tuyên bố luật an ninh Nhật Bản nhằm làm sâu sắc liên minh Mỹ-Nhật và ngăn chặn những mối đe dọa trong khu vực, chẳng hạn như các hành động quân sự khiêu khích của Triều Tiên. Vì vậy, luật này còn có lợi cho Hàn Quốc.
Luật này không chỉ được Mỹ ủng hộ mạnh mẽ mà còn nhận được sự tán đồng từ hầu hết các quốc gia châu Á khác. Tokyo cho rằng việc coi luật an ninh này gây ra những mối quan ngại trong khu vực là điều hết sức phi lý. Hàn Quốc nên đưa ra đòi hỏi tương tự đối với Trung Quốc.
Tokyo cho rằng với các tuyên bố trên, Trung Quốc và Hàn Quốc đang đứng về một phe để chống lại Nhật Bản.
Thêm cơ hội cho Mỹ
Đầu tháng 9 vừa qua, quân đội Nhật Bản đã tiến hành tập trận chung "Dawn Blitz" với Mỹ tại một địa điểm ở ngoại ô San Diego của Mỹ. Nội dung của cuộc tập trận là tái chiếm một hòn đảo từ tay đối phương.
Tướng David Coffman, Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, nói rằng cuộc tập trận giả định tình huống quân đội Mỹ hỗ trợ các nước đồng minh khi họ đối mặt với các tình huống bất ổn hoặc các mối đe dọa trong khu vực.
Trong cuộc tập trận "Dawn Blitz" năm 2013, sự tham gia của phía Nhật Bản được giới hạn ở phạm vi một cuộc huấn luyện đổ bộ.
Tuy nhiên, cuộc tập trận năm 2014 đã tiến gần đến mức các điều kiện chiến đấu.
Trong cuộc tập trận năm nay, một trung tâm chỉ huy được thiết lập sau khi đổ bộ, các tuyến cung cấp lương thực và trang thiết bị được bảo vệ. Các hoạt động chuẩn bị cho việc bảo vệ các đảo xa, được mặc định là “các tình huống bất ngờ của Nhật Bản”, đang được tăng dần.
Mỹ và Nhật Bản tập đổ bộ trong cuộc tập trận Dawn Blitz 2015
Ngày 1/10, Mỹ đã điều tàu sân bay hạt nhân Ronald Regan thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương tới quân cảng Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản).
Theo nhật báo "Mainichi" (Nhật Bản), để chuẩn bị đối phó với các hoạt động của Trung Quốc và Triều Tiên, ngoài việc thay thế tàu sân bay, quân đội Mỹ cũng sẽ tăng số lượng các tàu khu trục lớp Aegis hiện đại tới căn cứ Yokosuka.
Hiện nay, Hải quân Mỹ có 10 tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Nimitz. Tàu Ronald Regan được đưa vào biên chế trong Hạm đội Thái Bình Dương vào năm 2003, là chiếc tàu mới thứ hai trong số các tàu lớp Nimitz.
Theo tính toán, việc neo đậu tàu chiến tại căn cứ Yokosuka sẽ giúp lực lượng Mỹ triển khai nhanh hơn vài tuần nếu có sự biến xảy ra tại khu vực. Do đó, căn cứ quân sự Yokosuka đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ tại khu vực.
USS Ronald Regan tới Nhật Bản hôm 1/10
Tàu Ronald Regan từng tham gia chiến dịch hỗ trợ các nạn nhân trong vụ động đất, sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011.
Sức mạnh của Ronald Regan là trên 60 máy bay F-18 cùng nhiều trang thiết bị quân sự được mang theo tàu. Mỹ cũng huy động một số lượng lớn các tàu khu trục lớp Aegis có khả năng đánh chặn tên lửa.
Mỹ thường bố trí 9 tàu khu trục lớp Aegis tại quân cảng Yokosuka. Nhưng tới tháng 6/2015, Mỹ đã đưa đến đây tàu khu trục Aegis hiện đại nhất, đánh dấu lần đầu tiên tăng số tàu Aegis tại Yokosuka sau 23 năm.
Dự kiến đến năm 2017, số tàu khu trục lớp Aegis của Mỹ tại Yokosuka sẽ tăng lên 12 chiếc.
Tàu khu trục tên lửa USS Chancellorsville (CG 62) thường xuyên hộ tống USS Ronald Regan
Hiện tại, số tàu khu trục lớp Aegis được trang bị hệ thống Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) tại cảng Yokosuka chỉ có 5 chiếc. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng lên 8 chiếc vào năm 2017.
Dù phía Mỹ cho biết việc tăng cường lực lượng này là nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, song chính một cựu quan chức Hải quân của Nhật Bản có tên là Koda Yoji lại cho rằng các bước chuyển này là nhằm ngăn chặn Trung Quốc, nước đang mở rộng sức mạnh và hoạt động quân sự rất nhanh chóng.
Trung Quốc đang tích cực phát triển các tên lửa đạn đạo nhằm xây dựng khả năng tấn công ở cự ly càng xa, trong đó có các tàu sân bay hay căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.
Việc tăng cường triển khai các tàu khu trục lớp Aegis ở Nhật Bản một phần là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ tên lửa của quân đội Trung Quốc, mặt khác cũng nhằm nâng cao năng lực tấn công của quân đội Mỹ tại khu vực.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons