Trả lời phỏng vấn Báo NTNN, Thiếu tướng Lê Văn Cương- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, việc Trung Quốc đưa tên lửa vào Biển Đông không nguy hiểm bằng việc họ đang dân sự hoá lực lượng vũ trang trên biển.
Trung Quốc thay đổi quan điểm về Biển Đông?
Thưa Thiếu tướng, tại Hội nghị các bộ trưởng ASEAN và Diễn đàn An ninh khu vực vừa kết thúc tại Malaysia tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố Bắc Kinh sẽ ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông. Dư luận đã rất hoài nghi về tuyên bố này?
Trung Quốc đang đầu tư tiềm lực cho lực lượng dân quân biển. (Ảnh: I.T)
- Có thể nói, 2 sự kiện nổi bật nhất trong hội nghị các bộ trưởng ASEAN mà cộng đồng quốc tế rất quan tâm đó là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có bài phát biểu rất mềm mỏng với tinh thần tích cực. Những câu từ trong bài phát biểu đã toát lên tinh thần hữu nghị, thể hiện rằng Trung Quốc muốn ASEAN tiến đến hiệp định hợp tác; Trung Quốc ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông, Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác hoà bình, phát triển vì an toàn, an ninh khu vực…
Tuyên bố này xét trên phương diện hình thức, những câu chữ viết ra đều mang chiều hướng tích cực với mong muốn tạo ra những phản ứng tích cực từ thế giới. Có thể nói, nhìn chung cộng đồng quốc tế, các học giả trong và ngoài nước cho rằng, Trung Quốc đã có ý thay đổi quan điểm về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các học giả, các nhà nghiên cứu Trung Quốc phân tích kỹ hơn thì thấy rằng, xung quanh tuyên bố của Trung Quốc vẫn còn nhiều điều cần phải làm rõ.
Trước hết, chúng ta đặt câu hỏi, động lực nào khiến Trung Quốc có những phát biểu như vậy? Tôi cho rằng, bài phát biểu của ông Vương Nghị diễn ra trước chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi đặc biệt quan trọng của ông Tập Cận Bình, có thể nói rằng, một phần sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình là phụ thuộc vào chuyến đi này. Giới chức của Trung Quốc cho rằng, ông Obama là Tổng thống Mỹ dễ chịu nhất từ trước đến nay, mà thời gian tại vị của ông Obama không còn nhiều.
Ý đồ của Trung Quốc là vào chuyến thăm diễn ra trong tháng 9 tới này, Mỹ- Trung sẽ ký tuyên bố chung, trong đó cam kết không đối đầu, không can thiệp công việc nội bộ của nhau ít nhất là trong một thập kỷ tới. Vì đây là chuyến đi đặc biệt quan trọng liên quan đến sinh mệnh chính trị nên ông Tập Cận Bình cần phải có bước dọn đường hoàn hảo. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng đã từng tuyên bố ngừng các hoạt động cải tạo đảo trên Biển Đông. Tuyên bố ở thời điểm đó thực chất là để dọn đường cho đối thoại Trung- Mỹ diễn ra ngày 23, 24.7. Sau đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục có những hoạt động cải tạo.
Lần này, Trung Quốc cũng tuyên bố ngừng cải tạo đảo, thực chất là để mở đường cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình. Cho dù Ngoại trưởng Vương Nghị có quan điểm “diều hâu” đến mấy thì ông Tập Cận Bình vẫn muốn ông Nghị hạ giọng mềm mỏng hơn, để sắp tới ông Tập Cận Bình gặp Tổng thống Obama mới có nội dung để nói rằng: “Các ông thấy đấy, chúng tôi đã hoà giải với ASEAN”.
Tôi cho rằng, nếu như hội nghị này diễn ra sau chuyến đi của ông Tập Cận Bình thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không tích cực đến như vậy. Đây là một thủ thuật, thủ đoạn ngoại giao để phục vụ một âm mưu, mục đích khác.
Trung Quốc đã cam kết cả trăm lần, nhưng họ không bao giờ làm đúng như cam kết. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải hoan nghênh tinh thần tích cực của Trung Quốc khi đưa ra tuyên bố như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tỉnh táo và đừng quá tin vào lời tuyên bố của Trung Quốc.
Sự đột phá bất ngờ
Cũng tại 2 hội nghị nói trên, mặc dù Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự của ASEAN, nhưng giờ chót, khối đã đưa ra được tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Phải chăng điều này chứng minh rằng, sự đồng thuận, thống nhất trong ASEAN đã vượt qua những ý kiến trái chiều đơn lẻ?
- Đúng vậy. Trước đây, tại các hội nghị cấp cao của ASEAN, các nước có vẻ lảng tránh vấn đề Biển Đông. Nhưng hội nghị lần này đã tạo ra sự đột phá bất ngờ. Bản thân tôi cũng bất ngờ về tuyên bố chung về các vấn đề Biển Đông. Bản tuyên bố rõ ràng, rành mạch nói về sự quan ngại của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông. Đây là bước đi tích cực, năng động, thể hiện rằng, dù đâu đó, ai đó trong ASEAN còn có tiếng nói trái ngược, nhưng sự thống nhất, đồng thuận và đoàn kết cao đã làm chủ tình thế và những xu thế đi ngược dòng sẽ bị thất bại.
Có thể nói rằng, để có được tuyên bố chung về Biển Đông, công đầu thuộc về Malaysia- nước chủ nhà giữ chức Chủ tịch ASEAN lần này. Malaysia đã đóng vai trò quan trọng, có tính quyết định khi đưa ra tuyên bố chung này. Chúng ta đánh giá cao vai trò của Chính quyền Kuala Lumpur, hoan nghênh bạn đã có những thay đổi tích cực này. Nhưng cũng phải hiểu rằng, có hai động cơ để Malaysia làm điều này.
Thứ nhất là giải quyết vấn đề nội bộ bên trong Malaysia. Chính phủ nước này đang đối mặt với sự phản đối của nhân dân và phe đối lập cho rằng phản ứng của Chính phủ đối với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là chưa thoả đáng. Phe đối lập ở Malaysia cho rằng, chính sách thân thiện quá mức đối với Trung Quốc đã để Bắc Kinh chi phối cả nền kinh tế của Malaysia. Động thái tích cực của Malaysia tại hội nghị lần này cũng nhằm để làm dịu bớt căng thẳng từ bên trong.
" Việc Trung Quốc đưa tên lửa vào vùng biển này không nguy hiểm bằng việc họ đang dân sự hoá lực lượng vũ trang trên biển. Đây thực chất là một đội quân “công nhân đánh cá”, núp bóng dưới vỏ bọc là ngư dân và tàu quân sự sơn màu tàu dân sự, nhưng họ lại có khả năng tác chiến và nổ súng trong bất cứ trường hợp cần thiết nào”.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Thứ hai là tác động từ Mỹ và Nhật Bản. Không thể phủ nhận rằng, Malaysia phát triển như hôm nay là nhờ phần lớn vào sự hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU). Hiện nay, Mỹ, Nhật và EU rất quan tâm về vấn đề Biển Đông và đều bày tỏ sự quan ngại về những hành động của Trung Quốc trên vùng biển này.
Mỹ đang cho thấy ngày càng cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông. Những tuyên bố mạnh mẽ của Mỹ liệu có làm cho Trung Quốc “phá sản” các kế hoạch đưa tên lửa vào Biển Đông hay dân sự hoá lực lượng vũ trang trên biển hay không thưa ông?
- Phải nói rằng, tuyên bố của Mỹ về Biển Đông là nhất quán. Mỹ phản đối các hoạt động làm thay đổi hiện trạng, quân sự hoá trên Biển Đông và các hoạt động làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải trên vùng biển này. Những phản đối của Mỹ mang tính răn đe đối với Trung Quốc. Dù không thể ép buộc Bắc Kinh nhưng thái độ cứng rắn của Mỹ cũng khiến Trung Quốc phải điều chỉnh và dè chừng.
Trung Quốc đang có nhiều ý đồ và kế hoạch để độc chiếm Biển Đông. Việc Trung Quốc đưa tên lửa vào vùng biển này không nguy hiểm bằng việc họ đang dân sự hoá lực lượng vũ trang trên biển. Đây thực chất là một đội quân “công nhân đánh cá”, núp bóng dưới vỏ bọc là ngư dân và tàu quân sự sơn màu tàu dân sự, nhưng họ lại có khả năng tác chiến và nổ súng trong bất cứ trường hợp cần thiết nào. Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ làm “hạm đội dân quân biển” này. Đây là thủ đoạn cực kỳ nguy hiểm mà các nước ASEAN khó đối phó.
Còn về khả năng đưa tên lửa vào Biển Đông, điều này cũng có thể xảy ra, nhưng Trung Quốc còn phải dè chừng Mỹ. Trong trường hợp nó xảy ra, tên lửa của Trung Quốc cũng không có gì đáng sợ. Tên lửa của Mỹ và đồng minh Philippines hay một số nước ASEAN khác còn lợi hại hơn tên lửa của Trung Quốc nhiều.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét