Những sự nhượng bộ của các quan chức và chính phủ Trung Quốc trước thềm hội nghị G20 lần này để tránh việc bị đưa ra thành mục tiêu công kích, có vẻ như không hề nhỏ chút nào.
Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G20, bao gồm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới, đang diễn ra ở Thượng Hải, Trung Quốc được xem là mang một ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền tài chính và kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng trì trệ.
Đối tượng được G20 chĩa mũi nhọn tập trung nhất trong hội nghị lần này, không gì khác ngoài vấn đề các biện pháp kích thích tài chính bằng cách điều chỉnh tỷ giá tiền tệ đang được nhiều quốc gia trong G20 sử dụng, trong đó có Trung Quốc.
Theo một số nhà phân tích, với tư cách chủ nhà đồng thời đang là quốc gia có tỷ giá đồng nội tệ sụt giảm mạnh thuộc loại lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc sẽ là người chịu nhiều sức ép nhất tại hội nghị có tầm quan trọng không kém gì hội nghị G7 này. Và để tránh mũi dùi ở G20, Trung Quốc có vẻ như đang buộc phải nhượng bộ.
Theo đó, vấn đề nhận được sự chú ý nhất trong hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 lần này không gì ngoài việc các quốc gia trong nhóm đang thi nhau sử dụng công cụ tỷ giá để hỗ trợ nền kinh tế. Nổi bật nhất là hai nền kinh tế số hai và số ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản, khi tỷ giá đồng nhân dân tệ và đồng yen đã sụt giảm tương đối mạnh trong thời gian qua.
Ngoài ra có thể kể đến liên minh châu Âu (EU). Việc các quốc gia thi nhau hạ tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu được xem như một dấu hiệu bùng phát của một cuộc chiến tranh tiền tệ, khi mà nền kinh tế thế giới đang có một giai đoạn phục hồi chậm, và các quốc gia đang giành giật lợi thế xuất khẩu lẫn nhau thông qua tỷ giá thay vì cùng hợp tác để vực dậy nền kinh tế thế giới.
Vì thế, thông cáo chung của hội nghị đã được đưa ra là: “G20 sẽ sử dụng chính sách tài khóa linh hoạt để kích thích tăng trưởng, tạo việc làm và khôi phục niềm tin. Chính sách tiền tệ tự nó không thể đem lại sự tăng trưởng cân bằng và ổn định”. Mục tiêu của hội nghị vì thế, theo tổng giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, là sẽ tránh một sự thỏa thuận ngầm giữa các nước thành viên trong G20 về một tỷ lệ nhất định giữa tỷ giá đồng nội tệ của các nước như thỏa thuận Plaza đã làm năm 1985, khi đó Mỹ và các nước châu Âu đã buộc Nhật Bản phải điều chỉnh tỷ giá đồng yen. Thay vào đó, mục tiêu được hướng đến là buộc các nước thành viên của G20 cam kết không phá giá đồng nội tệ để cạnh tranh và các quốc gia sẽ phải tham vấn lẫn nhau một cách chặt chẽ về vấn đề tiền tệ.
Sức ép vì thế được xem như sẽ là nặng nề nhất đối với Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế đã liên tục có những động thái hạ tỷ giá đồng nội tệ của mình trong thời gian qua. Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu các bộ trưởng tài chính trong khu vực đồng euro, tiết lộ cho các phóng viên báo chí: “Các cuộc tranh luận về trường hợp của Nhật Bản đã được diễn ra, đã xuất hiện những sự lo ngại về việc Tokyo đang hạ tỷ giá đồng yen để thúc đẩy xuất khẩu”. Theo đó, đã xuất hiện những sức ép buộc chính phủ Nhật Bản phải có động thái tham vấn các nước thành viên khác của G20 nếu tiếp tục tiến hành các biện pháp hạ lãi suất vốn đã về mức -0,1% cách đây ít tuần.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất ở hội nghị lần này là, Trung Quốc gần như không phải chịu một sức ép nào như dự đoán, trong khi nước này cũng đã có những động thái không ghìm đà mất giá của đồng nhân dân tệ khá thường xuyên trong thời gian qua. Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của quỹ AMP Capital Investors tại Sydney, cho biết gần như không có bất cứ đề cập nào về trường hợp hạ tỷ giá của Trung Quốc trong bản thông cáo chung của hội nghị. Đây có thể xem như một sự kiện bất thường. Có vẻ như các nhà tổ chức hội nghị G20 lần này muốn tránh cho Trung Quốc, vốn là nước chủ nhà, khỏi phải hứng chịu một sức ép khá lớn, nhất là trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đã phải chấp nhận nhượng bộ khá nhiều trước thềm hội nghị lần này.
Quả thực, những sự nhượng bộ của các quan chức và chính phủ Trung Quốc trước thềm hội nghị G20 lần này để tránh việc bị đưa ra thành mục tiêu công kích, có vẻ như không hề nhỏ chút nào.
Trả lời họp báo trước thềm hội nghị, thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc là Chu Tiểu Xuyên đã đưa ra cam kết nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và không để các chính sách kinh tế vĩ mô của mình quá lệ thuộc vào dòng vốn. Ông này cũng đưa ra cam đoan: “Chúng tôi sẽ không dùng tới giải pháp phá giá cạnh tranh để thúc đẩy lợi thế của mình trong xuất khẩu”. Đây có thể được xem là lời cam kết có trọng lượng nhất lần đầu tiên được một quan chức cấp cao như ông Chu đưa ra, và có thể đem lại phần nào sự tin tưởng Trung Quốc sẽ thực sự chấm dứt việc bỏ qua không ngăn chặn đà sụt giá của đồng nhân dân tệ trong thời gian qua.
Trước đó, một loạt các nhượng bộ khác cũng đã được chính phủ Trung Quốc thực hiện. Một trong số đó là việc cân nhắc ban hành một quyền rút vốn đặc biệt cho các khoản đầu tư nước ngoài vốn trước đó vẫn bị trì hoãn, và thiết lập nhóm nghiên cứu tài chính ổn định. Nhưng, lớn nhất trong số đó là việc Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng chấp nhận một mức thâm hụt ngân sách cao hơn để cải tổ nền kinh tế.
Sheng Songcheng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và thống kê thuộc ngân hàng trung ương Trung Quốc phát biểu trên tờ Nhật báo kinh tế, rằng chính phủ nước này sẵn sàng chấp nhận khoản thâm hụt ngân sách lên tới 4% GDP so với mức 2,3% GDP ở thời điểm hiện tại để hỗ trợ cho việc cải cách trên diện rộng.
Đây được xem là lời cam kết có sức nặng nhất của Bắc Kinh tính đến thời điểm hiện tại. Theo hiệp ước Maastricht năm 1992 của Liên minh châu Âu (EU) thì mức thâm hụt ngân sách 3% GDP được xem là giới hạn không nên vượt qua. Vì thế, việc Trung Quốc sẵn sàng vượt qua giới hạn này để cải cách kinh tế thay vì sử dụng lá bài tỷ giá có thể xem là một nhượng bộ chấp nhận được. Sheng Songcheng cho biết, Bắc Kinh cho rằng việc nâng mức thâm hụt ngân sách sẽ không gây ra rủi ro quá lớn.
Có lẽ, chính vì đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ này mà Trung Quốc đã tránh khỏi cảnh bị các thành viên trong G20 gây sức ép ngay tại sân nhà vì những động thái hạ tỷ giá trong thời gian qua. Tuy nhiên, dù không đưa trường hợp Trung Quốc vào thông cáo chung của hội nghị, thì các nhà lãnh đạo G20 cũng có những cách riêng để dằn mặt Trung Quốc về lời hứa ghìm đà sụt giá của đồng nhân dân tệ.
Phát biểu trước báo giới, bộ trưởng tài chính Mỹ Jabcob Lew tuyên bố: “Việc đó sẽ không dẫn tới điều gì tốt đẹp cả, và tôi hy vọng chúng ta có thể đạt được một cam kết để tránh việc đó xảy ra”. Còn bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schauble thì phát biểu: “Chúng ta không thiếu những đề xuất chính sách, mà chúng ta chỉ thiếu việc thực thi chính sách”. Đó hiển nhiên là một lời cảnh cáo rằng Trung Quốc cần phải giữ lời hứa về những gì đã cam kết tại hội nghị.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét