Hải quân Trung Quốc trên tàu đổ bộ Changbaishan trong một nhiệm vụ hộ tống tại Vịnh Aden hồi năm 2014. Ảnh: Xinhua
|
Năm ngoái, Trung Quốc thông báo đang đàm phán để xây dựng "các cơ sở hỗ trợ" hải quân ở Djibouti, một quốc gia nằm ở vùng Sừng châu Phi, có chưa đến một triệu dân nhưng đang phấn đấu trở thành trung tâm vận chuyển quốc tế.
Djibouti, có vị trí chiến lược tại cửa ngõ phía nam Biển Đỏ, trên tuyến đường tới kênh đào Suez. Mỹ và Pháp đã đặt căn cứ tại đây, trong khi hải quân các nước khác thường xuyên sử dụng hải cảng của nước này.
Trung Quốc và Djibouti đã đạt được nhất trí về việc xây dựng cơ sở hậu cần trên, chủ yếu để các tàu quân sự neo nghỉ và tiếp tế khi thực hiện các nhiệm vụ hộ tống, gìn giữ hòa bình và nhân đạo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nói.
"Hiện nay việc thi công sơ bộ ở các hạng mục đã bắt đầu và Trung Quốc đã điều động một số nhân lực để tiến hành các công việc liên quan",Reuters dẫn lời ông Wu nói nhưng không hé lộ chi tiết.
Những năm gần đây, Trung Quốc tham gia vào các hoạt động chống cướp biển ở khu vực này và tìm cách nâng cao năng lực đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng đến các lợi ích của mình ở nước ngoài.
Trung Quốc cũng đang gia tăng vai trò gìn giữ hòa bình quốc tế. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 năm ngoái cam kết đóng góp 8.000 binh sĩ cho một lực lượng thường trực của Liên Hợp Quốc. Việc tham gia vào lực lượng này có thể mang lại những kinh nghiệm về hậu cần và hoạt động cần thiết cho quân đội Trung Quốc để hoạt động ở nước ngoài.
Dù đã lên tiếng nhiều hơn về các điểm nóng như Trung Đông, Trung Quốc khẳng định không can thiệp vào các vấn đề của những nước khác và là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an không có hoạt động quân sự ở Syria.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét