Việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở quần đảo Hoàng Sa là một dấu hiệu rõ ràng về mưu đồ độc chiếm Biển Đông của nước này.
Sau Hoàng Sa, Trung Quốc muốn nhắm đến Trường Sa
Theo Reuters, các hoạt động quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa được Trung Quốc thực hiện với cường độ gia tăng nhanh chóng bắt đầu từ việc nước này xây dựng các trạm quan sát tại các đảo nhân tạo và các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
Sau đó, Trung Quốc đã đưa các máy bay chiến đấu đến các đảo nhân tạo có mà nước này đã xây dựng đường băng và mới đây nhất là điều hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm.
Hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 mà Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ảnh Reuters |
Những hoạt động quân sự nói trên cho thấy, Trung Quốc đang muốn mở rộng tầm kiểm soát của mình đến hầu khắp Biển Đông.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh nhận định, động thái của Trung Quốc trong việc quân sự hóa và xây dựng các công trình tồn tại lâu dài trên các đảo nhân tạo và đảo mà nước này chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa có thể sẽ được lặp lại ở các đảo nhân tạo và các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa [cũng bị Trung Quốc chiếm trái phép] cách đó khoảng 500km về phía Nam.
Hai quần đảo này sau đó có thể được Trung Quốc sử dụng để phục vụ các máy bay chiến đấu của nước này thực hiện các hoạt động trinh sát, bao gồm cả các cuộc săn ngầm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ đưa nhiều dân thường ra các đảo thuộc 2 quần đảo này để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình.
Đáng lo ngại hơn, việc kiểm soát 2 quần đảo nói trên sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc áp đặt một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như nước này đã từng làm tại biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.
Quan chức Mỹ ngày 18/2 đã lên tiếng chỉ trích hành động đưa hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 của Trung Quốc ra đảo Phú Lâm và cho rằng, động thái này đi ngược với cam kết của Trung Quốc trong việc không quân sự hóa các đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố, những hành động của mình “chỉ nhằm mục đích tự vệ một cách rất hạn chế” trong khu vực thuộc lãnh thổ của nước này và bác bỏ những cáo buộc của phía Mỹ.
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore nhận định, Trung Quốc sẽ sớm đưa vũ khí ra Trường Sa trong vòng 1-2 năm tới.
“Điều này sẽ giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp của họ bằng những hành động cụ thể”, ông Storey nói.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, chỉ trong 11 ngày, Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều công trình trái phép trên đảo Phú Lâm mà nước này chiếm đóng phi pháp. Ảnh Reuters |
Bà Bonnie Glaser, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở Hoàng Sa có thể là tiền đề cho những hành động tương tự tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng nhiều công trình trái phép ở Trường Sa.
Dù giới chức Trung Quốc có thể viện cớ về những hoạt động của Mỹ gần đây ở Biển Đông để bao biện cho những hành vi sai trái của mình, “Trung Quốc đã thực hiện việc này từ khá lâu rồi”, bà Glaser nói.
Các quan chức quân sự trong khu vực cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 có tầm hoạt động lên đến 200km là một trong những vũ khí phòng thủ quan trọng nhất mà Trung Quốc đưa đến Hoàng Sa.
Hệ thống này được cho là sẽ ngáng trở các cuộc tuần tra định kỳ mà các máy bay của Mỹ và Nhật Bản vẫn thực hiện, trong đó bao gồm cả máy bay ném bom tầm xa chiến lược B-52- được Mỹ cho bay qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp hồi tháng 11/2015.
Tốc độ tăng cường hiện diện quân sự tăng chóng mặt
Trước khi thực hiện những động thái tăng cường hoạt động quân sự ở Hoàng Sa, từ 3 năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chiến dịch cải tạo rầm rộ những bãi đá mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo.
Trong khi đó, trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã hoàn tất việc mở rộng một đường băng để các máy bay chiến đấu nước này có thể hạ cánh và cất cánh và xây thêm nhiều nhà chứa máy bay.
Ngoài ra, trên cái mà Trung Quốc gọi là Thành phố Tam Sa [bao gồm:Quần đảo Hoàng Sa(Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa),Quần đảo Trường Sa(Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa),bãi Macclesfieldvàbãi cạn Scarborough(Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa) cùng vùng biển xung quanh- ND], Trung Quốc cũng đã tăng số lượng lực lượng tuần duyên và các cơ sở đánh bắt cá và nhà ở cho khoảng hơn 1.000 dân.
Trung Quốc cũng đã tăng cường tầm hoạt động của radar và các thiết bị giám sát điện tử. Các nhà phân tích cho rằng, quần đảo Hoàng Sa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, cách đó 200km về phía Bắc.
Trung Quốc không dễ quân sự hóa tại Trường Sa
Các quan chức quân sự trong khu vực nhận định, việc tăng cường hiện diện quân sự ở Trường Sa- tương tự như những gì mà Trung Quốc làm ở Hoàng Sa- có thể giúp Trung Quốc có thể chiếm lĩnh vị trí chiến lược về Hải quân ở khu vực Đông Nam Á.
Hiện Trung Quốc đã hoàn tất 3 đường băng trên quần đảo Trường Sa và hồi tháng 1 vừa qua, nước này tuyên bố hạ cánh thành công một máy bay dân sự trên đường băng dài 3km ở Bãi Chữ thập. Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, các máy bay quân sự sẽ làm điều tương tự chỉ trong vòng vài tháng tới.
Bà Yanmei Xie, nhà phân tích an ninh tại Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế cho biết, Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng như radar và các đường băng trên các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo ở Trường Sa vào 2 mục đích khác nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải rất cân nhắc nếu muốn đưa các trang thiết bị quân sự đến đây.
“Việc đưa các trang thiết bị quân sự đến Trường Sa sẽ phức tạp hơn rất nhiều bởi khu vực này có sự hiện diện của mọi quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc. Điều này có thể khiến Trung Quốc trả giá cả về mặt ngoại giao và địa chính trị”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét