Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc cố chuyển tiền ra nước ngoài để tránh bị mất giá trị, theo báo New York Times.
Để có thể chuyển tiền một cách hợp pháp, nhiều người đã nhờ bạn bè, người thân (đi du lịch hoặc công tác nước ngoài) đem giúp 50.000 USD (70.000 nhân dân tệ) mỗi người, mức giới hạn tiền mặt khi xuất cảnh khỏi Trung Quốc.
Như vậy, cứ 100 người ra thì có 5 triệu USD tiền mặt được chuyển ra nước ngoài.
Cách làm này được gọi là “Smurfing”, một trong những cách mà người giàu Trung Quốc cố chuyển tiền ra nước ngoài.
Mới đây, một người phụ nữ Trung Quốc đã bị hải quan bắt giữ vì chuyển tiền bất hợp pháp. Người phụ nữ này đã giấu 250.000 USD trong ngực, đùi và giày để có thể đem ra nước ngoài nhưng không thành công.
Trong năm 2015, đã có gần 1 ngàn tỷ USD được các cá nhân và doanh nghiệp chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, cách làm này vẫn dễ gây nghi ngờ và trong một số trường hợp vẫn bị xem là phạm pháp. Do đó, nhiều người đã dùng đến những cách khác, như đầu tư bất động sản ở nước ngoài, mua các doanh nghiệp nước ngoài hay dùng USD trả nợ.
Nếu chính phủ nước này không có biện pháp ngăn chặn tình trạng dòng vốn chảy ra nước ngoài, triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm mới sẽ còn u ám hơn.
Cụ thể, tình trạng này sẽ gây mất ổn định cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, làm mất lòng tin nơi nhà đầu tư, gây tổn thương cho hệ thống ngân hàng và đặc biệt là gây áp lực mất giá lên đồng Nhân dân tệ.
Để giữ cho đồng Nhân dân tệ không bị mất giá, chính phủ nước này đã có nhiều chính sách can thiệp thị trường cũng như dùng đến lượng dự trữ khổng lồ của mình.
Nhưng việc dự trữ ngoại hối mất đi một lượng tiền lớn, sẽ lại gây ra một cuộc tháo chạy của dòng vốn và gây bất ổn cho thị trường.
Nhằm ngăn không cho dòng vốn tiếp tục chảy ra ngoài, chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều biện pháp, ví dụ như đưa ra chính sách khuyến khích người dân sử dụng thẻ ngân hàng để mua các loại bảo hiểm nhân thọ ở nước ngoài.
Union Pay, tổ chức phát hành thẻ của Trung Quốc, cũng vừa công bố sẽ siết lại các quy định về sử dụng thẻ ngân hàng mua bảo hiểm ở nước ngoài, theo đó mỗi thẻ không được mua quá 5.000 USD một năm.
Tuy nhiên, những biện pháp trên cũng khiến Trung Quốc phải trả giá. Về dài hạn, việc áp dụng các hạn mức tiền sẽ làm giảm hiệu quả những nỗ lực cải cách để đưa kinh tế tăng trưởng trong thập niên tới.
Theo nhà kinh tế học Charlene Chu thuộc Tổ chức nghiên cứu Autonomous, “đồng Nhân dân tệ đã trở thành mối đe dọa trong ngắn hạn đối sự ổn định của nền tài chính”.
Còn theo ông Shaun Rein, người sáng lập Nhóm nghiên cứu thị trường Trung Quốc, “các cá nhân và doanh nghiệp đều không muốn sử dụng đồng Nhân dân tệ. Trước đây, đồng Nhân dân tệ với tỷ giá ổn định là một sự đầu tư chắc chắn, nhưng bây giờ thì không còn nữa”.
“Tất cả những công ty mà tôi có quan hệ làm ăn đều cho biết họ đang có ý định chuyển số tiền của mình ra nước ngoài để tránh bị mất giá trị”, ông Ronald Wan, doanh nhân Hồng Kông đang nắm giữ cổ phần của nhiều công ty quốc doanh tại Trung Quốc đại lục, tiết lộ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét