Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Tên lửa Trung Quốc khiến Mỹ phải cứng rắn hơn ở Biển Đông

Động thái mới của Trung Quốc đang buộc Mỹ phải quyết định xem có nên tiến hành những động thái kiên quyết hơn, thậm chí chấp nhận nguy cơ đối đầu quân sự.

ten-lua-trung-quoc-khien-my-phai-cung-ran-hon-o-bien-dong
Mỹ tố Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa HQ-9 ra Hoàng Sa. Ảnh: trdefence
Chính quyền Obama đã chỉ trích gay gắt Bắc Kinh sau khi cáo buộc quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa tiên tiến đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố họ sẽ có các cuộc đàm phán rất nghiêm túc với Trung Quốc về quân sự hóa tại Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng đã đặt các thiết bị phòng vệ tại đây từ lâu và tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng vệ trong khu vực.
Nhà phân tích quốc phòng của IHS Jane, Neil Ashdown, cho rằng việc triển khai tên lửa là "một sự leo thang quân sự rõ rệt" và là đòn trả đũa của Bắc Kinh với các chuyến tuần tra của Mỹ áp sát nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Trường Sa và Hoàng Sa vào cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Trong khi cả hai bên rõ ràng chẳng thích thú gì khả năng lâm vào một cuộc xung đột, lập trường cứng rắn của họ đang thu hẹp khả năng giải quyết bằng ngoại giao, và càng làm tăng nguy cơ bùng phát đối đầu quân sự.
WSJ đánh giá rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều khó có khả năng nhượng bộ. Trung Quốc ngày càng thực hiện nhiều động thái hung hăng, tỏ rõ ý đồ quân sự hóa và hiện thực hóa yêu sách chủ quyền. Còn Tổng thống Barack Obama đã hứa hẹn với các lãnh đạo Đông Nam Á tập trung tại California trong tuần này rằng Mỹ sẽ giúp đối phó sự quyết liệt của Bắc Kinh trong khu vực.
Khi Washington vẫn tiếp tục tuần tra ở Biển Đông và Bắc Kinh vẫn tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, "chúng ta có thể thấy thêm các màn đối đấu giữa hai bên", William Choong, một chuyên gia an ninh châu Á tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), đánh giá.
"Cần phải theo dõi chặt chẽ nguy cơ ăn miếng trả miếng, đặc biệt là rủi ro khi tính toán sai lầm", Rory Medcalf, giáo sư về vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học quốc gia Australia, nhận xét.
Trông đợi đổ dồn
Mùa xuân này, tòa trọng tài quốc tế ở The Hague sẽ ra phán quyết về tính hợp lệ của các yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra. Trung Quốc tự ý vẽ ra "đường 9 đoạn", chiếm gần hết Biển Đông và đi sâu vào các vùng thuộc chủ quyền nước khác. Việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, càng cho thấy tầm quan trọng của quyết định từ tòa quốc tế.
Theo Foreign Policy, các chuyên gia tin rằng tòa nhiều khả năng sẽ ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, tuy nhiên, tòa không có công cụ buộc Trung Quốc thực thi. Và Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng ngay từ khi vụ kiện bắt đầu rằng họ sẽ không hợp tác. Mira Rapp-Hooper, ở Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định việc gây sức ép để Trung Quốc thực hiện phán quyết của tòa có thể phải trông đợi vào Mỹ, chẳng hạn như bằng cách tích cực đi tàu qua các thực thể Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
"Nếu họ thêm một đoạn mới trên bản đồ, chúng ta cần phải có động thái ngay lập tức để củng cố phán quyết của tòa", một quan chức trong thượng viện Mỹ nói.
Các cựu quan chức Mỹ và các nhà phân tích nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ khởi động một chiến dịch ngoại giao lớn sau khi phán quyết được đưa ra, để quảng bá rằng đó là quyết định mang tính bước ngoặt có thể làm tấm gương và đặt tiền lệ cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở cả khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa.
"Tôi nghĩ rằng chiến lược của Mỹ là khuyến khích càng nhiều nước càng tốt ủng hộ phán quyết của tòa và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ nó", chuyên gia Glaser của CSIS nhận định.
Phán quyết chống lại Trung Quốc từ tòa trọng tài quốc tế sẽ là nỗi xấu hổ cho Bắc Kinh - nước muốn thể hiện là người chơi có trách nhiệm trên sân khấu thế giới. Nhưng Bắc Kinh có thể quyết định chịu mất danh tiếng để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền, vì nước này đã tính toán rằng, cho đến nay Washington và chính phủ các nước châu Á khác vẫn chưa sẵn sàng mạo hiểm đối đầu quân sự hay trả đũa kinh tế trên Biển Đông.
Và dù tòa ra phán quyết như thế nào, không ai dự đoán Bắc Kinh sẽ từ bỏ những tuyên bố họ đã đưa ra hay đảo ngược hoạt động cải tạo bồi đắp họ đã thực hiện. Nhưng đối với Washington, có thể kết quả tốt nhất với họ là Trung Quốc đóng băng hoạt động quân sự hóa.
Nhưng ngay cả Mỹ quyết định dồn lực, bằng cách đẩy mạnh tuần tra hải quân, tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác và đồng minh ở châu Á, và củng cố liên kết kinh tế với một thỏa thuận thương mại Thái Bình Dương, họ có thể đã quá muộn để xoay ngược tình thế. Bắc Kinh có vẻ đang kiên quyết giữ cái họ coi là lợi ích quan trọng ở tây Thái Bình Dương, thậm chí nếu phải đánh đổi cả quan hệ với Washington. "Họ có lợi thế và họ đang tìm cách tối đa hóa nó", một cựu quan chức Mỹ nói.
Thực tế, việc Trung Quốc triển khai tên lửa đến Hoàng Sa đã khiến các nhà lập pháp Mỹ lo lắng và kêu gọi Washington phải có phản ứng mạnh mẽ hơn. "Mỹ cần phải xem xét thêm các phương án để đối phó với các hành động Bắc Kinh", Chủ tịch Quân ủy Thượng viện Mỹ John McCain nói.
Ông cho rằng thậm chí "tiến hành hoạt động tự do hàng hải thường xuyên vẫn là chưa đủ". Theo ông, để Bắc Kinh thực sự lùi bước, Washington phải thực hiện "các chính sách có mức độ rủi ro cao mà cho đến nay chúng ta vẫn ngần ngại xem xét".



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons