Giàn tên lửa HQ-9 trên Hoàng Sa thể hiện toan tính quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, đe dọa trực tiếp lợi ích của Mỹ và các nước trong khu vực.
Trung Quốc bắn tên lửa HQ-9 trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Chinamil
|
Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể là một bước đi nữa trong kế hoạch dài hơi của Bắc Kinh nhằm triển khai sức mạnh quân sự trên khắp Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, theo Reuters.
Theo các nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh có liên hệ với nhiều chiến lược gia quân sự Trung Quốc, động thái điều tên lửa đến Phú Lâm có thể là mô hình để Bắc Kinh áp dụng trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp trên những bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, cách Hoàng Sa khoảng 500 km về phía nam.
Với "trò chơi tên lửa" đó, cuối cùng, các hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát trái phép trên Biển Đông sẽ được dùng cho chiến đấu cơ và các hoạt động trinh sát thường xuyên khác, trong đó có các chuyến tuần tra săm ngầm, đồng thời là nơi tiếp nhận một lượng lớn dân tái định cư, góp phần củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Quan trọng hơn, sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu, khí tài phòng không trên những hòn đảo này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tìm cách thực thi một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, tương tự những gì họ đã làm trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013.
Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore, tin rằng các vũ khí tương tự sẽ được Trung Quốc triển khai tới các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa trong vòng một hoặc hai năm tới.
"Điều đó sẽ giúp Trung Quốc có thể dùng những khả năng quân sự thực thụ để hậu thuẫn cho những lời cảnh báo của mình", ông nói.
Bonnie Glaser, chuyên gia phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế ở Washington, cho rằng sự hiện diện của các trạm radar, các chiến đấu cơ, và mới đây nhất là các khẩu đội tên lửa, trên Hoàng Sa sẽ là tiền đề cho những hành động tương tự tại các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa.
Theo Glaser, dù Bắc Kinh tuyên bố các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông gần đây là cái cớ để họ "tăng cường phòng vệ trên các đảo", những toan tính về kế hoạch triển khai các khí tài quân sự này "đã xuất hiện trong một thời gian khá dài".
Hồi tháng trước, Trung Quốc đã cho máy bay dân sự cất hạ cánh trên đường băng tại đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, và các chuyên gia phân tích Trung Quốc dự đoán chiếc phi cơ quân sự đầu tiên của nước này có thể cất cánh từ Trường Sa "trong vòng vài tháng tới".
Ngô Sĩ Tồn, giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, còn tuyên bố rằng những kinh nghiệm rút ra từ quá trình tăng cường hiện diện ở Hoàng Sa có thể được áp dụng cho Trường Sa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét