Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Hiểm họa từ tham vọng không gian của Trung Quốc

Song song với chương trình không gian dân sự, Trung Quốc đang phát triển nhiều loại vũ khí chống vệ tinh có thể đe dọa các nước khác trong vũ trụ.


hiem-hoa-tu-tham-vong-khong-gian-cua-trung-quoc
Tàu vũ trụ Thần Châu 10 của Trung Quốc. Ảnh: ECNS
Sau khi thực hiện thành công 19 sứ mệnh không gian hồi năm ngoái, Trung Quốc hiện ấp ủ tiến hành rất nhiều dự án dân sự và quân sự mới, như thử nghiệm tên lửa, đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm không gian hay phóng thêm vệ tinh vào quỹ đạo. Bên cạnh đó, nước này cũng nỗ lực để biến kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào giữa những năm 2020 thành hiện thực, theo NBC News.
Bắc Kinh cùng lúc đầu tư mạnh tay cho công nghệ chống vệ tinh có thể phá hủy hoặc vô hiệu hóa các cơ sở hay trang thiết bị trên không gian của đối phương trong trường hợp xung đột xảy ra. Đây được đánh giá là một xu thế đáng lo ngại đối với Mỹ, nước dựa khá nhiều vào vệ tinh để liên lạc và thu thập thông tin.
Bước tiến dài
Trung Quốc hiện bỏ ra từ hai đến ba tỷ USD mỗi năm nhằm phát triển các chương trình không gian, chỉ bằng một phần nhỏ so với con số 19 tỷ USD mà Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ sử dụng trong năm nay. Dù còn tụt hậu khá xa so với Mỹ về công nghệ không gian nhưng Trung Quốc rõ ràng đang rất cố gắng để đẩy nhanh quá trình cải tiến bằng cách tận dụng công nghệ có sẵn cũng như nguồn lao động và nguyên liệu giá rẻ của mình.
Chiến lược này đã gặt hái thành công. Trung Quốc 15 năm qua dường như rút ngắn đáng kể khoảng cách với các đối thủ Mỹ và Nga, quan sát viên Clay Dillow từ NBC News nhận xét. Tiến độ gia tăng nhanh chóng các hoạt động không gian dân sự Trung Quốc đặt ra những mối đe dọa ngày càng lớn đối với vị thế áp đảo trong vũ trụ của Mỹ. Một số người thậm chí còn dự đoán trong tương lai gần ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ.
Bắc Kinh đang "kết hợp các dự án dân sự để gia tăng uy tín với những dự án quân sự nhằm củng cố sức mạnh", James Andrew Lewis, giám đốc Chương trình Công nghệ tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Trong hơn 20 dự án không gian mà Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện năm nay, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tên lửa Trường Chinh 7 và Trường Chinh 5 nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả. Trường Chinh 5 là một trong những tên lửa hạng nặng và tinh vi nhất thế giới hiện nay.
Trung Quốc thời gian tới cũng sẽ đưa hàng loạt vệ tinh liên lạc và vệ tinh chụp ảnh Trái Đất vào quỹ đạo, đồng thời chuyển giao một số chiếc cho Argentina và Belarus. Bản thỏa thuận bán vệ tinh cho Belarus đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc xuất khẩu vệ tinh vào châu Âu.
Bắc Kinh còn định phóng hai vệ tinh khoa học, hai vệ tinh định vị và ba tàu vũ trụ trước cuối năm nay nhằm nâng cao chất lượng cho Hệ thống Quan sát Trái Đất độ phân giải cao của nước này.
Nhưng tham vọng không gian nhất của Trung Quốc trong năm 2016 chính là kế hoạch phóng tên lửa Trường Chinh 2F đưa tàu vũ trụ Thần Châu XI cùng ba phi hành gia lên phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 trong khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 12. Phòng thí nghiệm nói trên sẽ được đưa vào quỹ đạo khoảng nửa đầu năm nay.
Việc đưa Thiên Cung 2 vào vũ trụ sẽ là bước tiến vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc trong công cuộc xây dựng một trạm không gian có khả năng cung cấp nơi lưu trú lâu dài cho các phi hành gia, giống như trạm Mir của Nga hay Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
hiem-hoa-tu-tham-vong-khong-gian-cua-trung-quoc-1
Hình mẫu kích thước thực tế của phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 trưng bày tại một triển lãm hàng không ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: CFP
Dự án Thần Châu XI cũng cho phép các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu kỹ hơn về công nghệ cũng như xác định những sai sót kỹ thuật tiềm ẩn trước khi tiến hành phóng mô-đun chính của một trạm không gian vào cuối thập kỷ này.
Bắc Kinh kỳ vọng có thể sở hữu một trạm không gian cố định vận hành đầy đủ chức năng vào năm 2022. Giới phân tích an ninh quan ngại Trung Quốc sẽ dùng căn cứ này cho mục đích quân sự.
Những nhiệm vụ kể trên chỉ là bước tiếp nối của một chuỗi các chương trình khoa học, công nghệ mà Trung Quốc chuẩn bị từ nhiều năm trước. Điển hình là những nhiệm vụ thăm dò mở đường cho dự án đầy tham vọng đưa phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng vào khoảng giữa thập niên 2020.
"Trung Quốc rõ ràng muốn đạt được năng lực không gian cạnh tranh", tiến sĩ John Logsdon, chuyên gia chính sách không gian, giáo sư danh dự tại Đại học George Washington, bình luận. Nếu người Trung Quốc hoàn thành những cột mốc đặt ra, họ vẫn sẽ lạc hậu khoảng 30 năm so với Mỹ và Nga, nhưng đó là bước tiến rất dài trên con đường chinh phục không gian của quốc gia này, Logsdon nhấn mạnh.
Mối đe dọa
hiem-hoa-tu-tham-vong-khong-gian-cua-trung-quoc-2
Nếu thành công trong việc đưa người lên Mặt Trăng, Trung Quốc sẽ chứng minh được rằng nước này đang vươn lên trở thành một cường quốc không gian ngang hàng với Mỹ hay Nga. Ảnh minh họa: Xinhua
Theo giáo sư Logsdon, việc các chương trình hàng không vũ trụ dân sự Trung Quốc liên kết chặt chẽ với những hoạt động quân sự không gian của nước này mới là mối hiểm họa đáng lo ngại.
Bên cạnh chương trình không gian phục vụ mục đích khoa học và dân dụng, Trung Quốc còn đầu tư mạnh tay vào cả các công nghệ chống vệ tinh, có khả năng tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa thiết bị không gian.
Năm 2007, Trung Quốc phóng tên lửa đánh chặn từ mặt đất, phá hủy một vệ tinh cũ của nước này trên quỹ đạo, tạo ra một đám mây mảnh vỡ nguy hiểm trong không gian. Cuộc thử nghiệm lúc đó như một đòn đánh mạnh vào các nhà hoạch định quân sự Mỹ, những người dựa dẫm quá nhiều vào vệ tinh để thu thập thông tin tình báo, định vị, kiểm soát vũ khí hay điều khiển máy bay không người lái.
"Có rất nhiều cách để tấn công vệ tinh. Điều đáng lo là Trung Quốc đang theo đuổi tất cả những biện pháp ấy", ông Lewis nói. "Câu hỏi đặt ra là nếu họ mong muốn hòa bình thì tại sao lại chế tạo nhiều vũ khí đến thế?".
Ông Lewis cho rằng cường độ các hoạt động không gian của Trung Quốc gia tăng ẩn chứa cả những mục tiêu chính trị. Trong quá khứ, việc đưa phi hành gia lên Mặt Trăng chính là thành tựu cho thấy sức mạnh vượt trội của một nước. Mỹ và Liên Xô lúc đó là bên giành chiến thắng và được quốc tế tín nhiệm.
Hiện nay, Washington chuyển hướng tập trung sang những mục tiêu khác, ví dụ như sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa. Bắc Kinh trong khi đó lại lập ra những kế hoạch cụ thể để đưa người lên Mặt Trăng. Thành công của kế hoạch này sẽ là minh chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang từng bước vươn lên trở thành một cường quốc công nghệ ngang hàng với Mỹ hay Nga. Tiếng nói của Bắc Kinh nhờ đó mà có trọng lượng hơn trên trường quốc tế.
"Người Trung Quốc đang kiên trì với kế hoạch của mình và có thể trở lại Mặt Trăng trước chúng ta. Thế nên, ở cuộc chạy đua không gian vòng hai này, chúng ta có khả năng sẽ là kẻ về nhì", ông Lewis nói. "Hãy tưởng tượng khi Trung Quốc đáp xuống Mặt Trăng và chúng ta không ở đó, thế giới sẽ nghĩ gì?".




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons