Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Chiến lược càn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông

Lợi dụng sự suy giảm hiện diện của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc có những hành động được tính toán kỹ nhằm khiến Mỹ phải nhượng bộ và thoái lui.


chien-luoc-can-luot-cua-trung-quoc-tren-bien-dong
Lính Trung Quốc trên đảo Phú Lâm của Việt Nam bị nước này chiếm giữ phi pháp. Ảnh: Reuters
Chỉ một tuần sau khi truyền thông Mỹ công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, các quan chức tình báo Washington lại cho hay Bắc Kinh đã đưa chiến đấu cơ J-11 và JH-7 lên hòn đảo này. 
Theo Mark Thompson, bình luận viên về an ninh quốc gia của tờ Time, bằng các hành động mang tính quân sự hóa này, Trung Quốc đang áp dụng "trò chơi càn lướt" đối với Mỹ trên Biển Đông. Tất cả những dấu hiệu đều cho thấy Bắc Kinh đang tính toán rằng với những hành động của họ, Mỹ sẽ phải chấp nhận nhượng bộ và rút lui nếu không muốn chiến tranh xảy ra.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 24/2, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, tuyên bố ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là "rõ ràng như tình trạng kẹt xe ở thủ đô Mỹ". "Những ai nghĩ rằng mục tiêu của Trung Quốc không phải là quân sự hóa khu vực và thâu tóm bá quyền ở Đông Á chẳng khác gì tin rằng Trái Đất hình phẳng", ông Harris nhấn mạnh.
Theo đô đốc này, sự suy giảm hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã tạo điều kiện cho Trung Quốc có những hành động thể hiện sự lấn lướt trên Biển Đông, và sự sụt giảm quy mô của quân đội Mỹ đã khiến Bộ chỉ huy Thái Bình Dương không có đủ lực lượng thích hợp để chống lại cường quốc đang trỗi dậy này.
Trong khi Mỹ liên tục kêu gọi các bên có giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn đơn phương củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình bằng cách điều động các vũ khí, khí tài quân sự tới các đảo, đảo nhân tạo mà nước này chiếm giữ, bồi lấp trái phép trong khu vực. 
Theo các chuyên gia quân sự, với việc đưa tên lửa phòng không, chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm, Trung Quốc trên thực tế đã mở rộng quyền kiểm soát vùng biển, vùng trời thêm 1.000 km xuống phía nam, bao trùm cả quần đảo Trường Sa.
Với các đường băng dài tới 3.000 mét, đủ cho tất cả các loại máy bay quân sự cất hạ cánh, trên ít nhất ba đảo nhân tạo nước này bồi đắp trái phép ở Trường Sa, Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ của mình, đó là tuyên bố chủ quyền đối với 90% Biển Đông, thiết lập khả năng kiểm soát hiệu quả đối với tuyến đường biển huyết mạch này của thế giới, theo Thompson.
Những động thái này của Trung Quốc rất giống với những gì mà họ đã thực hiện trước đây để giành ưu thế "càn lướt" trước Mỹ. Cách đây 5 năm, không quân Trung Quốc đã cho máy bay tàng hình tối mật J-20 bay qua bầu trời Bắc Kinh trong lúc bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates đang ở thăm. Năm 2013, một tàu chiến Trung Quốc bất ngờ chạy cắt mặt một tàu tuần dương của Mỹ trên Biển Đông, khiến tàu Mỹ phải bẻ lái gấp để tránh, trong lúc Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đang công du nước này.
Hồi năm ngoái, một đội tàu chiến 5 chiếc của Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử chạy qua eo biển Bering, ngay sát bờ biển Alaska của Mỹ, trong khi ông Barack Obama đang có chuyến công du đến Bắc Kinh.
Tất cả những hành động chưa từng có tiền lệ này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các cơ quan an ninh, quốc phòng của Mỹ đang phải tập trung vào cuộc chiến dài hơi chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga ở Trung Đông. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Mỹ liên tục bị cắt giảm, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng triển khai lực lượng của hải quân nước này.
chien-luoc-can-luot-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-1
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển. Ảnh: 81.cn
Đô đốc Harris tiết lộ rằng hải quân Mỹ chỉ cho phép lực lượng của ông thực hiện khoảng 62% các cuộc tuần tra bằng tàu ngầm tấn công mà ông cho là cần thiết để răn đe Trung Quốc. Harris thừa nhận rằng lực lượng Mỹ đang bị kéo căng ở châu Á - Thái Bình Dương, buộc nước này phải lên tiếng kêu gọi các đồng minh trong khu vực cùng góp sức thực hiện chiến dịch tự do hàng hải gần những đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp để thể hiện rằng họ không bao giờ chấp nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Âm mưu giăng bẫy
Trong lúc dư luận quốc tế và nhiều nước trong khu vực trông đợi Mỹ "phải làm gì đó" để ngăn chặn những hành động càn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông, các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng Washington có thể sẽ rơi vào chiếc bẫy mà Bắc Kinh đã giăng ra trên vùng biển này.
Để đáp trả lại các hành động của Biển Đông, hải quân Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong khu vực, đồng thời tăng cường năng lực tác chiến cho các đơn vị trong Bộ chỉ huy Thái Bình Dương. "Tôi cần những hệ thống vũ khí uy lực hơn, bay nhanh hơn, xa hơn và có khả năng sống sót cao hơn", Đô đốc Harris tuyên bố.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng việc này lại có nguy cơ gia tăng căng thẳng trong khu vực, tạo cớ cho Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Trong một bài viết cách đây không lâu, nhà phân tích Euan Graham của Viện Lowy chỉ ra rằng các hành động triển khai lực lượng của Trung Quốc xuống Biển Đông đã được tính toán kỹ lưỡng về quy mô và thời điểm, để không làm bùng phát một cuộc xung đột lớn trong khu vực. Mỹ sẽ phải có biện pháp đáp trả với mức độ tương xứng, nhiều khả năng là bằng các chuyến tuần tra áp sát của tàu chiến, và đó sẽ là cái cớ để Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự hóa của mình.
Sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ gần các đảo và đảo nhân tạo - nơi Trung Quốc đang xây dựng các công trình lưỡng dụng, vừa phục vụ mục đích dân sự vừa có thể sử dụng cho mục đích quân sự - là cơ hội hoàn hảo để giới lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố rằng họ phải có "biện pháp tự vệ", mở đường cho việc đưa vũ khí phòng không, chiến đấu cơ xuống Trường Sa.
chien-luoc-can-luot-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-2
Chiến đấu cơ J-11 được Trung Quốc đưa trái phép xuống Hoàng Sa. Ảnh: 81.cn
Sau khi truyền thông Mỹ tố Trung Quốc đưa tên lửa, chiến đấu cơ xuống đảo Phú Lâm và xây dựng các trạm radar cao tần trên đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức đổ lỗi cho Mỹ "quân sự hóa" Biển Đông, và nước này có quyền triển khai "vũ khí phòng thủ" đến các thực thể này.
Theo giáo sư Alexander L. Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, chiến lược này của Trung Quốc dựa trên những nguyên tắc "khác với lối nghĩ thông thường", không tuân theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Theo đó, Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu bằng việc "từng bước thay đổi thực địa, tạo dựng sân chơi có lợi cho mình, làm thay đổi về mặt tâm lý những tính toán chiến lược của các quốc gia khác".
Chiến lược càn lướt này của Bắc Kinh ẩn chứa nguy cơ làm gia tăng căng thẳng đáng kể trong khu vực. "Việc gia tăng đáng kể quân số và vũ khí Trung Quốc trên Biển Đông sẽ dẫn tới những cuộc chạm mặt thường xuyên hơn với các nước láng giềng và lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực. Năm nay sẽ là năm căng thẳng hơn rất nhiều trên Biển Đông", Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons