Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự một hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Washington cuối tháng tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
|
Theo AFP, Ned Price, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ, hôm qua dẫn lời tổng thống Mỹ cho biết ông mong chờ được chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington, diễn ra từ ngày 31/3 đến 1/4. Obama cũng mong muốn "làm việc cùng nhau, hướng tới thành công".
Ông Obama tuyên bố khi tham dự cuộc họp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice. Phát ngôn viên Ned Price cho biết tổng thống tham gia để "nhấn mạnh sự quan tâm lớn của ông đối với việc xây dựng quan hệ Mỹ - Trung bền vững, mang tính xây dựng và hữu ích".
Trong cuộc họp, hai quan chức Mỹ - Trung đã thảo luận về vấn đề hàng hải. Bà Rice nhấn mạnh Mỹ ủng hộ mạnh mẽ tự do đi lại và hối thúc Trung Quốc giải quyết các mối quan ngại của khu vực, thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Mỹ và Trung Quốc cũng nhất trí về một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Triều Tiên, và sẽ không chấp nhận nước này với tư cách "quốc gia vũ khí hạt nhân".
Cố vấn Rice và Ngoại trưởng Vương đã nhất trí "về tầm quan trọng của phản ứng quốc tế mạnh mẽ và thống nhất đối với sự khiêu khích của Triều Tiên, trong đó có việc thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với biện pháp tốt hơn những nghị quyết trước, Ned Price nói.
Nhà Trắng thông báo khi các nhà ngoại giao tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York cho hay Washington và Bắc Kinh đã nhất trí dự thảo nghị quyết về lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên, và Hội đồng Bảo an có thể biểu quyết trong những ngày tới. Mỹ hôm qua lưu hành bản dự thảo cho ba thành viên thường trực của khác của hội đồng là Anh, Pháp và Nga, dự kiến sớm chính thức trình lên toàn hội đồng gồm 15 thành viên.
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa hôm 6/2, Hội đồng Bảo an tuyên bố sẽ áp lệnh cấm vận mới để trừng phạt Bình Nhưỡng. Hội đồng đã áp đặt 4 lệnh cấm vận với Triều Tiên kể từ khi nước này lần đầu thử thiết bị hạt nhân năm 2006.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét