Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và mối lo ngại hàng hóa dư thừa tràn qua Việt Nam


Trung Quoc giam toc
Ảnh minh họa

Việt Nam cần một kế hoạch tổng hợp ngăn chặn tình trạng hàng hóa dư thừa giá rẻ của Trung Quốc tràn sang với quy mô lớn có thể đè bẹp và gây nguy hiểm với các ngành sản xuất trong nước.


Một trong những lực cản lớn nhất đối với sự tăng trưởng của kinh tế thế giới hiện tại là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, nước này cũng đang là tâm điểm lây lan sự trì trệ ra toàn cầu. Vấn đề nghiêm trọng đến mức, tại hầu hết các hội nghị lớn trong thời gian qua như G20, vấn đề nóng nhất là sự chỉ trích Trung Quốc của các nước.
Và Việt Nam, với mức độ chịu ảnh hưởng tương đối lớn từ kinh tế Trung Quốc, cũng không là ngoại lệ, thậm chí còn phải hứng chịu một tác động ở quy mô lớn hơn nhiều.
Sự giảm tốc và trì trệ của kinh tế Trung Quốc, bắt đầu từ cuối năm 2015 và dần trở nên hỗn loạn hơn trong 2 tháng đầu năm 2016, đã thực sự trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Sự trì trệ này tác động tới các nền kinh tế trên thế giới một cách tự nhiên và khách quan, thông qua sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu nặng nề của khá nhiều nền kinh tế trên thế giới. Đồng thời, Trung Quốc còn đang cố tình xuất khẩu và làm lây lan sự trì trệ của mình ra bên ngoài như một cách để giảm áp lực cho nền kinh tế trong nước, bằng cách bán tống bán tháo các sản phẩm dư cung do dư thừa công suất sản xuất ở trong nước.
Bằng cách hạ giá sản phẩm trong hàng loạt lĩnh vực và tuồn vào thị trường các nước trên thế giới, từ Mỹ và EU cho đến Ấn Độ và Việt Nam, Trung Quốc đang gián tiếp đẩy hàng loạt các ngành sản xuất tại nhiều quốc gia vốn cũng đang trong tình trạng dư cung đến chỗ phá sản do không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc vốn đã rẻ nay lại càng rẻ hơn, do đã được chính phủ Trung Quốc áp dụng một loạt chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế hay bằng cách hạ tỷ giá nội tệ.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, thậm chí còn phải đối mặt với một áp lực lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế khác cũng đang bị ảnh hưởng từ sự giảm tốc và xuất khẩu trì trệ của kinh tế Trung Quốc. 
Trước hết, Việt Nam là một thị trường nhập khẩu lớn của hàng hóa Trung Quốc, tổng cộng lên đến 49,3 tỷ USD trong năm 2015 (đạt mức nhập siêu 32 tỷ USD từ Trung Quốc), chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Điều này khiến cho hàng hóa Trung Quốc do dư cung và giá rẻ đang có xu hướng tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, nhất là khi giữa hai nước có đường biên giới dài tới cả ngàn km. 
Cùng với đó là việc Trung Quốc đang tăng cường đầu tư ra thị trường nước ngoài để đối phó với sự giảm tốc của kinh tế trong nước, trong đó có Việt Nam nhất là khi Việt Nam đang được xem là một trong những điểm đầu tư tiềm năng nhất thế giới trong năm 2016. Và điều này được các chuyên gia kinh tế đánh giá có nguy cơ trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016. Đây được xem là hai tác động chủ đạo mà Việt Nam sẽ phải đối mặt từ sự giảm tốc và lây lan sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc.
Trước hết là vấn đề lây lan sự trì trệ thông qua xuất nhập khẩu. Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến cho kim ngạch thương mại hai chiều cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng từ việc sụt giảm nhu cầu nhập khẩu của nước này, chủ yếu thông qua giảm số lượng và giá cả nhập khẩu nông sản và sản phẩm nguyên liệu thô từ Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc như điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử nhiều khả năng cũng sẽ bị tác động trong thời gian sắp tới, giống như những gì các tập đoàn của Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải hứng chịu.
Tuy nhiên, một vấn đề khác còn nghiêm trọng hơn trong vấn đề nhập khẩu. Hàng hóa dư thừa ở Trung Quốc do dư cung đang tìm cách tràn ngập khắp các thị trường trên thế giới, mà Việt Nam là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất. 
Điển hình là trong ngành thép, lĩnh vực sản xuất mà Trung Quốc đang dư thừa nhiều nhất. Trong vòng 10 năm từ 2004-2014 sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng khoảng 91% và giờ đây đang có mức dư thừa lớn nhất trong toàn bộ các lĩnh vực sản xuất. Bằng cách áp dụng một loạt các chính sách trợ giá đặc biệt, chính phủ Trung Quốc đang khiến giá thép của nước này rẻ hơn và tự do tràn vào thị trường các quốc gia khác. Điều này đã diễn ra đối với Việt Nam từ ngay trong năm 2015, khi theo thống kê tổng cộng đã có khoảng 8,4 triệu tấn thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong cả năm 2015, trị giá khoảng 3,7 tỷ USD, tăng 57% so với năm 2014.
Thép giá rẻ Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tràn vào thị trường Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 và gây áp lực rất mạnh lên ngành sản xuất thép trong nước, buộc các doanh nghiệp thép Việt Nam đã phải trình Chính phủ yêu cầu áp thuế nhập khẩu đặc biệt với thép từ Trung Quốc. Điều tương tự cũng đang diễn ra ở khắp các nền kinh tế trên thế giới, điển hình là EU, khi thép Trung Quốc đang đe dọa ngành thép ở châu Âu vào nguy cơ phá sản, và gây ra hàng loạt các cuộc biểu tình yêu cầu Ủy ban châu Âu phải xem xét áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tác động lớn thứ hai là việc Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu mô hình phát triển lạc hậu của mình thông qua công nghệ sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đối phó với sự giảm tổng cầu của thị trường trong nước do giảm tốc kinh tế, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư thu hút nhất được xem là sẽ bị tác động từ xu hướng này. 
Theo thống kê, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng vọt trong thời gian vừa qua. Cụ thể, theo Cục đầu tư nước ngoài, năm 2012 lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam mới đạt mức 312 triệu USD đã tăng đột biến lên mức 2,3 tỷ USD vào năm 2013; sang năm 2014 tăng lên thành 7,9 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng lên thành 8,13 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt trong thời gian qua có thể đem lại những hệ quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc không có công nghệ cao như các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU, đa phần tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp và dễ kèm theo các nguy cơ như ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Khoảng 70% các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng tài nguyên như dầu mỏ, sắt thép, xi măng, bauxit.
Hai tác động chủ đạo này từ sự giảm tốc và lây lan trì trệ của kinh tế Trung Quốc có thể trở thành một lực cản lớn có thể ngăn cản và kéo chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016 mà chúng ta không thể xem thường. 
Để đối phó với hai tác động này, Việt Nam cần một kế hoạch tổng hợp ngăn chặn tình trạng hàng hóa dư thừa giá rẻ của Trung Quốc tràn sang với quy mô lớn có thể đè bẹp và gây nguy hiểm với các ngành sản xuất trong nước, không chỉ trong ngành thép. 
Nếu tiếp tục để hàng hóa dư thừa của Trung Quốc tràn vào như hiện nay có thể khiến một loạt các lĩnh vực sản xuất chủ đạo của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, gây ra hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế. Ngoài ra, cần một chiến lược và quy hoạch tổng thể đối với các dự án FDI đặc biệt là đến từ Trung Quốc. 
Trong bối cảnh Việt Nam đã có vị thế để lựa chọn và sàng lọc các dự án FDI đủ tiêu chuẩn về công nghệ, vốn, quản lý khi mà các doanh nghiệp FDI trên khắp thế giới đang đổ bộ vào Việt Nam, thì rõ ràng, các dự án FDI có công nghệ lạc hậu và vốn thấp từ Trung Quốc không phải là thứ mà chúng ta cần quan tâm.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               
           DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE 
              VĂN PHÒNG 0906143408 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons