Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Liên Xô trở thành "kẻ thù nguy hiểm nhất" của Trung Quốc thế nào?

Ngày 4/12/2015, Trung Quốc tổ chức long trọng Lễ cắm cột mốc tại Huân Xuân, tỉnh Cát Lâm trên biên giới Nga-Trung, thu hồi 4.7 km2 lãnh thổ mà hai nước thảo luận từ năm 1993.
Bắc Kinh cho rằng đây chỉ là “con số rất nhỏ” trong hơn 1.5 triệu km2 mà Nga Hoàng đã chiếm của Trung Quốc từ thế kỷ XIX, nhưng có ý nghĩa lớn, đánh dấu quan hệ hai nước hiện nay đang chuyển biến.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội của hai nước, dư luận đều chỉ trích lãnh đạo cả hai bên. Dư luận Nga cho rằng chính phủ đã quá mềm mỏng với Trung Quốc, còn dư luận Trung Quốc cho rằng chính phủ đã “quá mềm yếu” nên chỉ thu về chút ít nhỏ nhoi.
Sự kiện này đã phản ánh trong 67 năm qua kể từ năm 1949 khi nước CHND Trung Hoa ra đời tới nay, lịch sử quan hệ hai nước cũng chứa đựng rất nhiều ân oán, thăng trầm qua các thời kỳ mà tới nay vẫn trong trạng thái này.
Trải qua 67 năm, quan hệ Nga-Trung có thể chia làm 4 giai đoạn cơ bản: 1. Tuần trăng mật vừa là đồng chí vừa là anh em; 2. Hai bên lật mặt trở thành thù địch nguy hiểm nhất của nhau; 3. Khôi phục quan hệ, tăng cường hợp tác; 4. Quan hệ trên nóng dưới lạnh.
Quan hệ Trung Quốc-Liên Xô ngọt ngào trong "thời kỳ trăng mật"
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù Liên Xô có quan hệ chính thức với Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch, nhưng vẫn có quan hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc và giúp đỡ nhiệt tình.
Tháng 8/1945 khi đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc, Liên Xô đã bắt cựu hoàng Phổ Nghi ở Thẩm Dương và thu lượng vũ khí lớn giao cho Trung Quốc.
Đây là một nhân tố quan trọng giúp Hồng quân Trung Quốc lớn mạnh để chiến thắng Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến và lập nên nước CHND Trung Hoa tháng 10/1949.
Đây cũng là cơ sở hai nước hình thành mối quan hệ đồng minh và được ca ngợi “vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Hơn nữa, sau khi mới ra đời, "nước Trung Quốc mới" gặp muôn vàn khó khăn và bị Mỹ, Phương Tây bao vây cấm vận, nên cần có chỗ dựa để củng cố và xây dựng đất nước. Đó chính là Liên Xô, một nước trở nên rất hùng mạnh sau Thế chiến II.
Ngày 14/2/1950 hai nước ký “Hiệp ước đồng minh hữu nghị hỗ trợ nhau Trung – Xô”. Quan hệ song phương gắn bó toàn diện về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao khi Trung Quốc đưa quân tình nguyện giúp Triều Tiên vào tháng 10/1950.
Tháng 9/1954 khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev sang thăm và tham dự Hoạt động kỉ niệm 5 năm Quốc Khánh Trung Quốc, quan hệ Xô-Trung tiếp tục được tăng cường toàn diện về các mặt, nhất là về kinh tế.
Trong thập niên, Moscow đã giúp Bắc Kinh tới 6.6 tỉ rúp.
Phát biểu trong tiệc chiêu đãi Đoàn đại biểu Liên Xô ngày 12/10/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nói: “Với 800 triệu dân và diện tích chiếm gần 1/4 thế giới, tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em của hai nước lớn Xô-Trung là vĩnh cửu, bền vững không gì phá vỡ nổi, không ai có thể chia rẽ được.
Mối quan hệ hữu nghị không sức mạnh nào có thể phá vỡ nổi đang ngày càng được củng cố và phát triển.”
Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông cũng nói: “Từ sự giúp đỡ khảng khái vô tư của nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc càng thấy rõ tình hữu nghị nồng hậu sâu sắc của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Trung Quốc, thấy rõ sự quan tâm và chi viện cho công cuộc xây dựng của nhân dân Trung Quốc”.

Một tranh cổ động của Trung Quốc trong thập niên 1950 với dòng chữ Xô-Trung hữu nghị vạn tuế. (Ảnh tư liệu)
Một tranh cổ động của Trung Quốc trong thập niên 1950 với dòng chữ "Xô-Trung hữu nghị vạn tuế. (Ảnh tư liệu)
Thời kỳ hai bên lật mặt, trở thành thù địch nguy hiểm nhất của nhau
Giai đoạn quan hệ tốt đẹp được ca ngợi bằng những lời có cánh giữa Trung Quốc và Liên Xô kéo dài chẳng bao lâu thì bắt đầu đi xuống.
Sự rạn nứt có thể tính từ ngày 14/2/1956 khi Đảng Cộng Sản Liên Xô tiến hành Đại hội 20 với sự tham dự của 55 đoàn đại biểu đảng Cộng sản và đảng công nhân các nước trên thế giới.
Trong Hội nghị này, Khrushchev tiến hành phê phán gay gắt chủ nghĩa sùng bái cá nhân, đồng thời ban hành tài liệu mật phê phán mạnh mẽ đối với tình trạng sùng bái cá nhân của Stalin.
Tiếp đó là chuyến thăm Mỹ của Nikita Khrushchev từ 15/9 tới 27/9/1959, trong đó ông đưa ra chủ trương “ba hòa” với Mỹ. Đó là “Chung sống hòa bình, Quá độ hòa bình, Cạnh tranh hòa bình”.
Bắc Kinh đã phê phán chủ trương này là “Chủ nghĩa xét lại”, là “phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin”.
Bởi vậy, tháng 9/1959 khi Nikita Khrushchev thăm Trung Quốc thì hai bên bắt đầu tranh cãi gay gắt với nhau. Đây có thể coi là cái mốc đánh dấu kết thúc “tuần trăng mật”.
Hai nước bắt đầu bước vào thời kỳ mâu thuẫn gay gắt, xung đột, coi nhau là kẻ thù nguy hiểm nhất, thậm chí xảy ra cuộc chiến ở đảo Damansky trên sông Ussury mà Trung Quốc gọi là Trân Bảo đảo ở tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 3/1969 khiến hàng trăm binh sĩ hai bên thiệt mạng và thương vong.
Đặc điểm thời kỳ này: Một là, Trung Quốc đã đứng vững và đạt được một số thành tựu kinh tế, uy tín trên trường quốc tế cũng tăng lên, nên muốn giành lấy ngọn cờ trong Phong trào cộng sản quốc tế.
Hai là, hai nước đã biến mâu thuẫn, bất đồng giữa hai đảng thành mâu thuẫn giữa hai nhà nước và hai dân tộc.
Tháng 7/1960 Liên Xô bắt đầu ngừng viện trợ, đình chỉ 12 hiệp định, 257 đề án hợp tác khoa học, 343 hợp đồng trao đổi chuyển gia, rút 1.390 chuyên gia về nước, khiến kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn và lao đao.
Ba là, hai nước trở thành thù địch nguy hiểm nhất của nhau.
Trước đây hai nước ca ngợi nhau bao nhiêu thì này phê phán nhau, chỉ trích nhau gay gắt, thậm tệ bấy nhiêu và coi nhau là kẻ thù nguy hiểm nhất.

Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái) đón nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tại sân bay ngày 31/7/1958. (Ảnh tư liệu)
Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái) đón nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tại sân bay ngày 31/7/1958. (Ảnh tư liệu)
Ngày 23/12/1956 trong Hội nghị Bộ chính trị mở rộng thảo luận “Lại bàn về kinh nghiệm lịch sử của chuyên chính vô sản”, Mao Trạch Đông phê phán ĐCS Liên Xô phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin.
Cùng năm 1956, Mao nói Liên Xô đã trở thành "chủ nghĩa sô vanh nước lớn".
Sau Hội nghị trên, Trung Quốc thành lập “Ban lý luận” chuyên viết bài công kích Liên Xô do Mao Trạch Đông đứng đầu cùng các nhà lãnh đạo khác như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, Lục Định Nhất, Ngũ Tu Quyền…
Từ tháng 9/1963 tới tháng 7/1964, Ban này công bố 9 bài bình luận và cho phát đi rộng rãi trên khắp thế giới phê phán gay gắt Liên Xô.
Năm 1969 khi xảy ra xung đột biên giới Xô-Trung, ông Mao tuyên bố: "Trung Quốc hiện một mặt phải đối phó với Đế quốc Mỹ, một mặt phải đối phó với Liên Xô.
Liên Xô đã từ chủ nghĩa xét lại trở thành chủ nghĩa đế quốc xã hội, đã thay thế Mỹ trở thành kẻ thù chủ yếu nhất, nguy hiểm nhất của Trung Quốc”.
Mao còn ví Khrushchev như “con chó sói đang đứng giữa đường, nên không thể nói lý lẽ với nó được”.
Còn Đặng Tiểu Bình sau khi đi dự Đại hội 81 đảng cộng sản và công nhân họp ở Moscow năm 1960 trở về, liền triệu tập Hội nghị công tác trung ương.
Phát biểu trong Hội nghị trước hơn 7.000 cán bộ cấp cao tham dự, Đặng phát biểu hùng hồn: “ĐCS Liên Xô là một đảng lớn do Khrushchev đứng đầu với những lời nói và việc làm phản bội nguyên lý chủ nghĩa Marx-Lenin, gây ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Nếu đảng [Cộng sản Trung Quốc] không đứng lên chống lại thì các đảng anh em khác cũng không dám ngăn cản. Trong toàn bộ cuộc đấu tranh này, đảng ta phải đi đầu”.
Đặng Tiểu Bình khi ngụy biện cho việc phát động xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979 đã nêu nguyên nhân đầu tiên nhằm “xây dựng một Mặt trận quốc tế thống nhất chống bá quyền Liên Xô.”
Trong cuộc họp báo ngày 31/1/1979 khi thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình nói: "Bất kỳ Liên Xô ở đâu, chúng tôi đều ngăn chặn và đánh bại sự gây rối của nó ở nơi đó.”
Trong cuốn hồi ký của mình năm 2013, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng nhận xét:“Trong chiến lược châu Á năm 1979, khi đó Trung Quốc coi Liên Xô là đối thủ chiến lược chủ yếu nhất.
Bắc Kinh phê phán Liên Xô cay độc nhất, gay gắt nhất, đồng thời Trung Quốc công khai xây dựng một liên minh chống Liên Xô trên toàn thế giới”.

Tháng 1/1969, Trung Quốc bắt đầu có ý định khơi dậy mâu thuẫn ở đảo Damansky (Bắc Kinh gọi là Trân Bảo). Đến thời điểm này súng trường và súng tự động vẫn chỉ được sử dụng làm gậy. Ở giữa nhóm người là sĩ quan chỉ huy biên phòng Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
Tháng 1/1969, Trung Quốc bắt đầu có ý định khơi dậy mâu thuẫn ở đảo Damansky (Bắc Kinh gọi là Trân Bảo). Đến thời điểm này súng trường và súng tự động vẫn chỉ được sử dụng làm gậy. Ở giữa nhóm người là sĩ quan chỉ huy biên phòng Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
Khôi phục quan hệ, tăng cường hợp tác
Bước vào thập niên 1970, tuy vẫn còn mâu thuẫn nhưng giữa Xô-Trung bắt đầu có dấu hiệu hòa hoãn.
Đặc điểm trong thời kỳ này là kinh tế Liên Xô bắt đầu sa sút do lao vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, trong khi đó kinh tế Trung Quốc đứng trước bờ vực thẳm sụp đổ do bị tàn phá trong gần 10 năm Đại cách mạng văn hóa. Bởi vậy, cả hai nước đều bắt tay với Mỹ, nên cần hòa hoãn với nhau.
Năm 1974, hai nước khôi phục đường hàng không. Năm 1977 nhân kỉ niệm 60 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Trung Quốc gửi điện mừng và cho rằng mặc dù còn bất đồng nhưng không nên để mâu thuẫn ảnh hưởng tới 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và phát triển quan hệ bình thường.
Tháng 10/1978 khi thăm Nhật Bản, Đặng Tiểu Bình nói : “Không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích của dân tộc Trung Hoa là vĩnh viễn”, đây được coi làphương châm của Trung Quốc trong khôi phục quan hệ với Nga và bắt tay với Mỹ.
Tháng 3/1982, lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev mặc dù vẫn công kích Bắc Kinh, nhưng cho rằng Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa và thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Tới tháng 5/1989, nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev chính thức thăm Trung Quốc, đánh dấu quan hệ hai nước chính thức bình thường hóa.
Trong chuyến thăm này, hai bên không xác định quá cao quan hệ Xô-Trung, coi mối quan hệ bình thường như những mối quan hệ với các nước khác, nghĩa là không đồng minh như thập niên 1950 và cũng không đối địch như thập niên 1960.

Lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân (phải) trong một chuyến thăm Nga, được đón tiếp bởi Thủ tướng Viktor Chernomyrdin. (Ảnh: Takungpao)
Lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân (phải) trong một chuyến thăm Nga, được đón tiếp bởi Thủ tướng Viktor Chernomyrdin. (Ảnh: Takungpao)
Điều đáng lưu ý là hai thái cực của Đặng Tiểu Bình đối với Liên Xô.
Khi Khrushchev thực hiện chính sách “ba hòa” với Mỹ, thì Đặng Tiểu Bình cho rằng Trung Quốc phải đi đầu chống lại.
Nhưng khi Đông Âu sụp đổ, tiếp đó cuối năm 1991 Liên Xô tan rã, tháng 12/1990 Đặng Tiểu Bình nói "Trung Quốc tuyệt đối không được vác cờ đi đầu trong phe xã hội chủ nghĩa” vì “lá cờ này Trung Quốc vác không nổi”.
Tiếp đó tháng 4/1992, Đặng Tiểu Bình đưa ra phương châm “lặng lẽ quan sát, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu, phát huy đúng lúc”.
Đây đã trở thành quốc sách cơ bản và chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Liên Xô và Mỹ trong gần 3 thập kỷ qua.
Cuối năm 1992, Tổng thống Nga Boris Yeltsin thăm Trung Quốc và hai nước xây dựng “Quan hệ hợp tác hữu nghị láng giềng”.
Tới năm 1994, hai nước xây dựng “Quan hệ đối tác mang tính xây dựng”.
Tháng 9/1994, lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm Nga. Trong Tuyên bố chung, hai nước xác định xây dựng “Quan hệ đối tác mang tính xây dựng hướng tới thế kỷ XXI”.
Tháng 4/1996 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Yeltsin, song phương nhất trí nâng cấp quan hệ từ “Đối tác mang tính xây dựng hướng tới Thế kỷ 21” lên “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, tin cậy bình đẳng hướng tới thế kỷ XXI”.
Đồng thời, hai bên xây dựng các cơ chế như “Nguyên thủ thăm lẫn nhau”, “Thủ tướng định kỳ gặp gỡ nhau”, “Hợp tác an ninh biên giới”, “Hợp tác quân đội hai nước”, xây dựng đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước.
Quan hệ Nga-Trung “trên nóng dưới lạnh”
Đặc điểm nổi bật nhất thời kỳ này là Chiến tranh Lạnh sau hơn 40 năm đã kết thúc, thế giới hình thành trật tự đa cực mới thay thế ba cực Mỹ-Trung-Xô để chi phối thế giới. Quan hệ Mỹ- Nga-Trung hòa dịu thay thế cho đối đầu trước đây.
Đồng thời, kinh tế Nga suy yếu trong khi kinh tế Trung Quốc vươn lên, nhưng cả hai đều muốn mở quan hệ với Mỹ.
Kể từ khi Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga tháng 5/2000, ông đã điều chỉnh lại đáng kể chiến lược đối ngoại, nhất là hòa hoãn với Mỹ và tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Những năm gần đây, mâu thuẫn Mỹ-Nga và Mỹ-Trung tăng lên, nhất là từ năm 2007 khi Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dường" để kiềm chế sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc kéo dài từ Á sang Âu.
Bởi vậy, Moscow và Bắc Kinh "tìm đến nhau" như một điều kiện cần để chống lại sự kiềm chế của Mỹ.
Trong chuyến thăm Nga 4 ngày (15/7 – 18/7/2001) của Giang Trạch Dân, hai bên đã ký “Hiệp ước hợp tác láng giềng thân thiện” thay cho Hiệp ước Xô-Trung đã ký trong thập niên 1950.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ ký kết hàng loạt văn kiện hợp tác lớn ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 21/5/2014. Nền kinh tế Nga sau đó đã gặp nhiều khó khăn vì bị phương Tây trừng phạt. (Ảnh: Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ ký kết hàng loạt văn kiện hợp tác lớn ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 21/5/2014. Nền kinh tế Nga sau đó đã gặp nhiều khó khăn vì bị phương Tây trừng phạt. (Ảnh: Getty Images)
Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có sự điều chỉnh đáng kể trong quan hệ với Nga, nên đầu tháng 3/2013 ông đã chọn Nga là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên để khẳng định mối quan hệ song phương.
Ông Tập cũng chủ trương đẩy mạnh hợp tác với Nga tìm kiếm nguồn năng lượng dầu lửa mà Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.
Đáng lưu ý trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 5/2014 của Tổng thống Putin, tại thành phố Thượng Hải, hai nước đã ký kết một hiệp định hợp tác dầu khí trong 30 năm trị giá 400 tỉ USD.
Ngay sau lễ ký kết, song phương đã nâng cấp quan hệ từ “Đối tác hiệp tác chiến lược toàn diện tin cậy bình đẳng sâu rộng hơn nữa” lên “Quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung giai đoạn mới”.
Đôi bên cũng thỏa thuận tiến hành tập trận chung ở biển Hoa Đông, thậm chí Bắc Kinh có ý đồ kéo Nga xuống cả biển Đông để ngăn chặn Mỹ và các đồng minh cùng đối tác.
Tuy nhiên do lợi ích của mỗi nước, nên tình trạng lợi dụng nhau nhiều hơn là hợp tác thực sự chân thành cho dù lãnh đạo hai nước đều sang dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II của nhau vào tháng 5 và tháng 9/2015.
Sau khi Nga bị Mỹ và Phương Tây cấm vận bởi cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, kinh tế nước này bắt đầu suy giảm và gặp nhiều khó khăn, trong khi giá dầu thế giới lao dốc làm Moscow ngày càng lao đao, nên Trung Quốc đã không trợ giúp Nga như trước.
Báo chí Nga cho biết hầu như các hạng mục ký kết với Trung Quốc đều chững lại, chỉ thực hiện được khoảng 10%, nhất là hợp tác dầu lửa hầu như bị ngừng lại.
Tờ The Moscow Times (Nga) ngày 16/12/2014 cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã ngừng đầu tư vào Nga, trong đó có tập đoàn Wanda đầu tư hơn 1 tỉ USD.
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông thuộc Học viện Khoa học Nga Andrei Ostrovski cho biết, Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài tới trên 880 tỉ USD, nhưng đầu tư vào Nga rất nhỏ giọt, chỉ chưa đầy 8 tỉ USD.
Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 12/2015 của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, hai bên ký 30 văn bản và hạng mục hợp tác, nhưng rốt cuộc hầu như không thực hiện được.
Báo chí Nga cho rằng Điện Kremlin đã đánh giá quá cao về khả năng trợ giúp kinh tế của Bắc Kinh, bởi hiện Trung Quốc rất thờ ơ lạnh nhạt đối với việc nhập khẩu hàng hóa Nga.
Bởi vậy, kim ngạch buôn bán Nga-Trung năm 2015 dự kiến trên 100 tỉ USD, nhưng thực tế chỉ đạt 70 tỉ USD, thấp hơn con số 90 tỉ USD năm 2014.
Tờ Izvesta của Nga cho rằng kể từ Thời Pier Đại Đế hơn 300 năm trước tới nay chưa bao giờ chiến lược của Nga hướng sang phía Đông. Nếu có chăng chỉ là nhất thời chứ không phải là chiến lược lâu dài.
Báo “Độc lập” của Nga cho biết trong hợp tác với Trung Quốc kể cả lĩnh vực dầu lửa đều chậm chạp và Trung Quốc thường gây sức ép với Nga.
Nếu như xích lại với Trung Quốc để giải quyết khó khăn tạm thời là điều dễ hiểu, nhưng lấy đây là một chiến lược, một quyết sách lâu dài thì nước Nga sẽ đi vào ngõ cụt.
Theo tờ này, chiến lược lâu dài hướng Đông với Trung Quốc chỉ làm Nga thụt lùi và không có tương lai. Sự hợp tác hai nước dù nồng ấm tới đâu cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, màu sắc chính trị nhiêu hơn là thực chất.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cho rằng dù hữu nghị mặn nồng tới đâu, nhưng phải lấy lợi ích kinh tế làm đầu.
Giáo sư Trương Thanh Mẫn, thuộc Học viện quan hệ quốc tế Bắc Kinh ngày 8/5/2015 đánh giá, mặc dù quan hệ Nga-Trung nồng ấm, nhưng thực chất không cao. Quan hệ Mỹ-Trung "mới là thực chất và liên quan tới những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Dư luận hai nước đều cho rằng trạng thái quan hệ hai nước hiện nay là “trên nóng dưới lạnh”, nghĩa là cấp cao nồng nhiệt, cấp dưới và dân chúng thờ ơ. Đây cũng là viễn cảnh của quan hệ Nga-Trung thời gian tới./.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons