Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc được kỳ vọng đưa ra các bước ứng phó với khó khăn của nền kinh tế, dập tắt lo lắng sau khủng hoảng tài chính và tình trạng lao động bất ổn do cắt giảm mục tiêu tăng trưởng.
Gánh nặng nợ công
Tại phiên khai mạc ngày 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày Dự thảo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (từ 2016-2020) lần thứ 13, bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 và cả giai đoạn 5 năm, hướng đến “một xã hội khá giả” toàn diện.
Cụ thể, Bắc Kinh chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%-7% trong năm 2016, thấp hơn so với mức trên 7% được đề ra vào các năm trước. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình cho cả giai đoạn 5 năm tới cũng chỉ ở mức trên 6,5%. Bên cạnh đó, chính quyền cam kết sẽ tạo ra hơn 50 triệu việc làm tại các đô thị và số cư dân đô thị chiếm 60% dân số Trung Quốc vào năm 2020.
Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường thừa nhận cần chuẩn bị cho một trận chiến nhiều khó khăn. Hiện Bắc Kinh cố gắng cân bằng giữa tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp yếu kém, trong đó có việc xử lý nợ nần của các công ty “ma” do nhà nước quản lý, hạ tỉ lệ thất nghiệp xuống 4,5% trong năm 2016, đón chào các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong một số lĩnh vực.
Để cải thiện môi trường, Bắc Kinh đưa ra tổng mức tiêu thụ năng lượng vào khoảng 5 tỉ tấn than đến năm 2020, cải thiện hiệu quả sử dụng nước. Thế nhưng, các cuộc biểu tình của công nhân bị sa thải dấy lên nghi ngờ liệu Bắc Kinh có thể thành công trong quá trình chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng của mình hay không.
Công nhân tại một công trình xây dựng ở TP Thượng HảiẢnh: REUTERS
Các nhà phân tích cho rằng 6,5% là mức tăng trưởng tối thiểu cần thiết để Trung Quốc đáp ứng mục tiêu tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2010-2020.
Theo bà Diêu Vĩ, nhà kinh tế học của Ngân hàng Société Generale SA (Pháp), việc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn để nền kinh tế không bị “sốc” trong ngắn hạn, đồng thời cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách hiểu sự nguy hiểm của tình trạng nợ công quá nhiều. Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được sử dụng nhiều hơn nhưng có lẽ cũng chỉ đủ tạm thời ngăn chặn tình trạng kinh tế giảm tốc.
Dư thừa công suất
Trong lúc này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng đều đặn mỗi năm là không cần thiết và nên chấm dứt. Lý do, theo họ, là những mục tiêu đó trên thực tế lại gây hại cho nền kinh tế và khuyến khích các quan chức làm sai lệch dữ liệu. Mục tiêu đó chỉ cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ sao về sức khỏe kinh tế đất nước chứ không hề chỉ ra cách thức hoặc các chính sách để chinh phục cột mốc đề ra.
Mặc dù lĩnh vực dịch vụ đang phát triển, Bắc Kinh vẫn phải vật lộn với các khoản nợ công ngày càng chồng chất và tình trạng dư thừa công suất - một di sản của việc chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế trong nhiều năm qua để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Suy yếu của kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong lúc dòng tiền “chảy” khỏi nước này ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng càng khiến những vấn đề này trở nên tồi tệ hơn, như đầu tư lãng phí và gánh thêm nợ nần.
Đề cập mục tiêu GDP, vấn đề trọng tâm của Quy hoạch phát triển 5 năm tới, ông Hàn Manh thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói: “Quá chú trọng vào GDP đã trở thành một thói quen và cần phá bỏ điều đó”. Còn theo chuyên gia kinh tế Kỳ Nguyên Mai của Trung tâm Thông tin nhà nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên tập trung hơn vào các phép đo giúp cung cấp một bức tranh tổng thể về sức khỏe kinh tế đất nước, như đo chất lượng cuộc sống hoặc sức mua của các hộ gia đình.
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE
VĂN PHÒNG 0906143408
0 nhận xét:
Đăng nhận xét