Bắc Kinh đang tuyển ngư dân giúp sức thực hiện mưu đồ tiếp tục xâm chiếm Biển Đông. Đây là động thái cho thấy dã tâm ngày càng lớn của nước này trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển.
Ngư dân Trung Quốc (trái) liều lĩnh chống trả lực lượng cảnh sát biển của Hàn Quốc khi xâm nhập đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc Hàn Quốc - Ảnh: AFP |
Hôm qua, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Nam La Bảo Minh cho biết chính phủ nước này sẽ tài trợ và huấn luyện kỹ thuật quốc phòng cho lực lượng ngư dân để đưa ra Biển Đông.
Tại phiên họp thường niên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, ông La cho biết Hải Nam có hơn 100.000 ngư dân và với số lượng này thì việc giúp sức cho lực lượng hải quân tuần tra biển, giành lấy ngư trường truyền thống của ngư dân nước khác là chuyện “không khó”!
Tàu cá Trung Quốc
quấy rối tàu nước ngoài
Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã cung cấp các nguồn lực để giúp số ngư dân này như hỗ trợ đóng tàu, trợ cấp nhiên liệu cũng như huấn luyện quân sự để số ngư dân này tràn ra Biển Đông và sẵn sàng gây hấn, quấy nhiễu tàu cá cũng như tàu hải quân của các nước khác.
Bí thư họ La còn công khai rằng một số tàu đánh cá mới đóng có lượng giãn nước lên đến 400 tấn, có thể hoạt động ở khu vực biển sâu. Điều này có nghĩa ngư dân Trung Quốc đang sở hữu những chiếc tàu lớn hơn cả tàu hải quân của một số nước trong khu vực.
Ông Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, nói rằng trong thời bình thì lực lượng ngư dân Trung Quốc có thể giúp hải quân nước này thu thập thông tin tình báo trên biển.
Các tàu “ngư dân Trung Quốc” cũng thường quấy rối các tàu nước ngoài, nhất là tàu của hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực Biển Đông.
Cụ thể, khi tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ tuần tra gần đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 10/2015, ngay lập tức đã có nhiều tàu hải quân cũng như tàu thương mại và tàu cá của Trung Quốc xuất hiện vờn quanh.
Thậm chí, như trang web Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả, nhiều tàu cá của Trung Quốc đã có động thái khiêu khích khi băng ngang và sau đó là chạy sát mũi tàu Lassen.
Hay như khi nhóm tàu tấn công của tàu sân bay USS John C. Stennis vừa bắt đầu hoạt động ở Biển Đông hồi tuần qua thì tàu của Trung Quốc cũng đã xuất hiện và theo sát.
Thanh minh “không đòi thêm lãnh thổ”
Dù lên tiếng tuyên bố “không và sẽ không đòi thêm lãnh thổ trên biển”, hôm qua Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại giở giọng tuyên bố rằng nước này sẽ kiểm soát Biển Đông vì “tổ tiên” của họ là những người phát hiện vùng biển này trước tiên.
Ông Vương khẳng định sẽ mời giới báo chí nước ngoài đến các hòn đảo mà Bắc Kinh đang kiểm soát ở Biển Đông vào thời điểm thích hợp.
Bộ trưởng họ Vương còn khẳng định với báo giới rằng Biển Đông hiện là “một trong những tuyến đường biển an toàn nhất trên thế giới”, dù chính Trung Quốc đang gây ra những bất ổn và căng thẳng tại khu vực này.
“Nước khác tuyên bố tự do hàng hải, không có nghĩa là nước đó muốn làm gì thì làm trong khu vực” - ông Vương ám chỉ những cuộc tuần tra của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong thời gian gần đây.
Nhưng rồi cũng chính ông bảo Trung Quốc sẵn sàng hợp tác trên biển nhiều hơn với Mỹ “khi Mỹ hạ nhiệt rõ ràng”!
Hãng tin ABC của Mỹ cho rằng ông Vương Nghị đang muốn làm chệch hướng những cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hóa ở Biển Đông khi tuyên bố: “Trung Quốc không thể bị gán là một quốc gia quân phiệt. Cái tên này thích hợp với những nước khác hơn”!
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
VĂN PHÒNG 0906143408
0 nhận xét:
Đăng nhận xét