Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

Khi cả thế giới bắt đầu lo sợ các chiêu trò của Trung Quốc

cac chieu tro cua Trung Quoc
Tương lai cho Trung Quốc không còn là màu hồng

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang dần thực sự trở thành 'đầu mối' đang cố gắng lan truyền căn bệnh giảm phát và dư thừa công suất ra khắp các nền kinh tế trên thế giới. 

Thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới trong hai tháng đầu năm 2016 đang ở trong tình trạng trì trệ nhất trong vòng hơn 7 năm trở lại đây kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Lần lượt từ Nhật Bản, EU và giờ đây là cả Mỹ cũng bắt đầu ghi tên mình vào danh sách các quốc gia phải đối mặt với sự trì trệ và thậm chí là cả giảm phát. Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ có một quốc gia đang trở thành tâm điểm của sự chỉ trích toàn cầu về vấn đề tăng trưởng trì trệ và giảm phát hiện tại, đó là Trung Quốc. 
Nếu như trong gần 20 năm qua, Trung Quốc đã trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu cho nền kinh tế thế giới, góp phần đem lại thịnh vượng cho rất nhiều quốc gia; thì giờ đây Trung Quốc lại đang trở thành tâm điểm lan truyền và xuất khẩu sự trì trệ ra khắp thế giới, giống như một sự đòi nợ cho thịnh vượng mà nước này đã đem lại trước đây vậy. Cái gì của Trung Quốc, thì phải trả cho Trung Quốc.
Quả thực, không khó để nhận ra Trung Quốc đang là quốc gia lâm vào cảnh giơ đầu chịu báng, phải hứng chịu sự chỉ trích của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong thời gian vừa qua vì những vấn đề phát sinh trên thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới trong hai tháng đầu năm 2016. Cú sốc dẫn đến sự rối loạn trên thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường tài chính toàn cầu trong hai tháng vừa qua bắt nguồn từ sự hỗn loạn tại TTCK Trung Quốc trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới vào ngày 4.1.2016. 
Rồi việc đồng nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền có mức sụt giá mạnh nhất trên thế giới cũng gây ra những tác động không nhỏ tới các đồng tiền chủ chốt khác như yen, euro hay USD, khiến nền kinh tế Nhật Bản, EU hay Mỹ chịu tác động nặng nề.
Nên không có gì khó hiểu khi Trung Quốc bị chỉ trích dữ dội trong mọi hội nghị mà nước này tham gia trong thời gian vừa qua, kể cả khi Trung Quốc là nước chủ nhà. Tại hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G 20 tại Thượng Hải hồi trung tuần tháng 2, vấn đề phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành tâm điểm của cuộc họp, khi lần lượt bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew, bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso và bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schauble đều nhấn mạnh đến sự bất ổn mà chính sách hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gây ra với kinh tế thế giới. Nó không những kích hoạt một cuộc đua hạ tỷ giá để tranh giành lợi thế xuất khẩu một cách thiếu lành mạnh, mà còn có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình thế nguy hiểm.
Điều tương tự cũng diễn ra tại hội nghị sau đó một tuần được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 23.2 để thảo luận về các vấn đề thương mại. Khi bị hàng loạt đại biểu từ các nước công kích rằng hàng hóa giá rẻ xuất phát từ sự dư thừa nguồn cung của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường các nước trên thế giới, bộ trưởng thương mại Trung Quốc là Gao Hucheng đã lý giải: “dư cung đang là một vấn đề toàn cầu và để giải quyết một vấn đề toàn cầu thì cần đến sự nỗ lực hợp tác của tất cả các nước”. 
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa tất cả các nước theo ý vị bộ trưởng thương mại của Trung Quốc này trên thực tế lại là: tốt nhất là các nước không nên phàn nàn về việc hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường. Cũng giống như trong vấn đề tỷ giá, Trung Quốc cũng đang đơn phương giành lấy lợi thế trong vấn đề giải quyết hàng dư thừa một mình một kiểu bằng những phương pháp thiếu lành mạnh và không minh bạch.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang dần thực sự trở thành một ổ dịch đang cố gắng lan truyền căn bệnh giảm phát và dư thừa công suất ra khắp các nền kinh tế trên thế giới. Hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập các thị trường từ lớn nhất như Mỹ và EU cho đến Ấn Độ hay nhỏ hơn như Việt Nam và Lào. Điển hình là các mặt hàng mà Trung Quốc đang dư thừa nhất như thép, than đá. 
Theo thống kê, chỉ tính riêng trong ngành thép, khả năng cung ứng của Trung Quốc còn lớn hơn Mỹ, Đức và Nhật Bản cộng lại; trong vòng 10 năm từ 2004 đến 2014 sản lượng thép toàn cầu tăng 57% thì chỉ riêng Trung Quốc đã tăng tới 91%. Để hỗ trợ sản lượng thép dư thừa khổng lồ này, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều biện pháp, từ hạ thuế suất cho đến chậm hoàn thuế giúp thép Trung Quốc trở nên cực rẻ và tràn ngập các thị trường trên thế giới từ EU cho đến Việt Nam. 
Động thái cạnh tranh thiếu lành mạnh này đang đe dọa đẩy ngành thép của khá nhiều các nền kinh tế trên thế giới rơi vào cảnh sa sút và có thể dẫn đến phá sản, và gián tiếp đẩy các nền kinh tế đó vào trì trệ do ngành thép là một trong những lĩnh vực có mức sử dụng lao động và giá trị gia tăng rất lớn trong nền kinh tế.
Điều tương tự cũng diễn ra trong hàng loạt các lĩnh vực khác, khi mà theo báo cáo của phòng thương mại và công nghiệp EU tại Trung Quốc, mức dư thừa công suất trung bình tại các lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang là khoảng 13,1%, con số này còn cao hơn ở các lĩnh vực công nghiệp nặng. Và cũng tương tự như ngành thép, chính phủ Trung Quốc đang làm mọi cách để hạ giá các hàng hóa dư thừa này để dễ dàng đẩy sang tiêu thụ tại các thị trường khác.
Trong bối cảnh cả thế giới đều đang ở trong tình trạng dư cung hiện nay, thì cách làm này của Trung Quốc không khác gì một động thái đẩy hàng loạt các lĩnh vực sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào cảnh phá sản, vì không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc vốn đã rẻ nay lại còn hạ giá hơn nữa nhờ ưu đãi. Nên không khó hiểu khi hàng loạt các cuộc biểu tình yêu cầu áp thuế nặng với hàng Trung Quốc diễn ra trên khắp thế giới, và lần lượt Mỹ, EU, Ấn Độ hay cả Việt Nam đều bắt đầu đánh thuế suất rất cao lên hàng hóa Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Vì thế, không có gì quá đáng khi cho rằng, ở thời điểm hiện tại Trung Quốc đang thực sự trở thành một trung tâm lây nhiễm và lan truyền bất ổn và sự trì trệ kinh tế ra khắp thế giới. Nó biểu hiện ở hai khía cạnh. Trước hết, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng dư cung trên toàn cầu, do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu của thị trường Trung Quốc đã sụt giảm mạnh. Hầu hết các nền kinh tế có quan hệ thương mại sâu rộng với Trung Quốc đều rơi vào tình trạng su giảm xuất khẩu mạnh mẽ, nhất là từ đầu năm 2016. 
Chẳng hạn như tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 1.2016 đã giảm tới 18,8% còn của Nhật Bản là 12,9%, phần lớn là do sự sụt giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Tình trạng dư cung do sự giảm tốc của Trung Quốc gây ra khiến cho các quốc gia này bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề, Nhật Bản đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất của nền kinh tế kể từ khi tiến hành cải tổ theo kế hoạch Abenomics cách đây 3 năm, Hàn Quốc cũng tương tự khi đồng won cũng đang có mức tỷ giá thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Yếu tố thứ hai, là Trung Quốc lại còn đang trực tiếp đẩy sự dư cung của mình sang các thị trường khác, khiến cho tình trạng dư cung của các nước này trở nên trầm trọng hơn và có thể dẫn tới sự rối loạn nghiêm trọng khi hàng loạt lĩnh vực chủ chốt của các nước này bị đe dọa phá sản. Việc Trung Quốc hạ giá thép, than đá và các mặt hàng dư cung khác rồi đẩy sang thị trường các nước đang đe dọa khiến các lĩnh vực sản xuất tại các quốc gia này có thể rơi vào cảnh phá sản do không thể cạnh tranh nổi. Về lâu dài sự giảm phát và phá sản của các lĩnh vực sản xuất chủ đạo này có thể khiến nền kinh tế của các quốc gia đó bị ảnh hưởng nặng nề.
Trung Quốc vì thế đang mang một bộ mặt khác hẳn và trái ngược hoàn toàn so với cách đây vài năm, khi nước này đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và đem lại thịnh vượng cho rất nhiều quốc gia trong vòng hơn một thập kỷ qua. Còn giờ đây, Trung Quốc lại đóng vai kẻ gây ra và lan truyền khủng hoảng một cách có chủ đích khiến tất cả phải tránh xa. Hài hước một chút, thì có vẻ như Trung Quốc đang muốn đòi lại việc nước này đã đem lại thịnh vượng cho thế giới trong thời gian trước, bằng cách đem đến những bất ổn, rắc rối và khủng hoảng cho thế giới ở thời điểm hiện tại.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               
           DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE 
              VĂN PHÒNG 0906143408 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons