Do Biển Đông là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc tiến ra Tây Thái Bình Dương, việc kiểm soát không phận khu vực này có ý nghĩa chiến lược để Bắc Kinh hoạch định sức mạnh hải quân ra khơi xa, và phá thế kìm kẹp của Mỹ, các chuyên gia quân sự nhận định.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ khẳng định, hình ảnh vệ tinh chụp ngày 8/9 cho thấy, Trung Quốc dường như đang chuẩn bị xây dựng đường băng phi pháp thứ ba trên Biển Đông, lần này là tại bãi Vành Khăn.
Ảnh vệ tinh chụp bãi đá Vành Khăn ngày 8/9 cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng đường băng đồng thời hoạt động bồi lấn vẫn tiếp tục, dù Bắc Kinh từng tuyên bố đã dừng lại (Ảnh: CSIS)
Bãi Vành Khăn là một trong bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Theo ông Greg Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS, ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy một bức tường bao đã được xây dựng, quanh một khu đất có chiều dài 3000m. Đây chính là cách Trung Quốc từng làm để xây dựng đường 2 băng trên các bãi đá Chữ Thập và Xubi trước đó.
Nhận định về việc Trung Quốc gấp rút xây dựng nhiều đường băng trên Biển Đông, một sỹ quan hải quân giấu tên của nước này khẳng định, đây là một trong những nỗ lực nhằm giúp hải quân Trung Quốc phá thế kìm kẹp của Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Philippines và Úc.
“Nếu Quân giải phóng nhân nhân Trung Quốc (PLA) muốn giành được thế thượng phong về hải quân trên Biển Đông (trong trường hợp có chiến tranh), bắt buộc hải quân phải kiểm soát được không phận khu vực quần đảo Trường Sa, vốn là cửa ngõ duy nhất để hải quân Trung Quốc vào Tây Thái Bình Dương”, vị sỹ quan về hưu nói
Trước đó hôm 28/6, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hầu như hoàn tất việc xây dựng một đường băng dài 3km tại bãi đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Yongshu.
Vị cựu sỹ quan hải quân tin rằng các đường băng sẽ đem đến sự hỗ trợ toàn diện cho khu căn cứ liên hợp Tam Á trên đảo Hải Nam.
Các chuyên gia an ninh tin rằng, đường băng dài 3km đủ để đón cả máy bay dân sự và quân sự, giúp Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận trái tim của tuyến hàng hải Đông Nam Á, bất chấp phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và các bên liên quan.
Trong ngày thứ Hai, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi một lần nữa ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa, cũng như quyền xây dựng các cơ sở quân sự trong khu vực.
Chuyên gia hải quân Ni Lexiong tại Thượng Hải cho rằng, 3 đường băng sẽ giúp quân đội Trung Quốc hoạch định sức mạnh khắp Biển Đông, và chính thức tiến vào vùng nước châu Á - Thái Bình Dương.
Thông điệp cảnh báo Mỹ
Thông tin về hoạt động xây dựng đường băng của Trung Quốc xuất hiện ngay trước chuyến thăm Washington ngày 24/9 tới của Chủ tịch Tập Cận Bình. Những lo ngại của Mỹ trước việc Trung Quốc hành động ngày một quyết liệt với các tuyên bố chủ quyền trên biển dự kiến sẽ được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự.
Ảnh vệ tinh chụp rìa phía tây bãi đá Vành Khăn ngày 8/9 cho thấy rõ Trung Quốc vẫn đang bồi đắp (Ảnh: CSIS)
Một người phát ngôn Bộ quốc phòng Mỹ dù từ chối bình luận trực tiếp đánh giá của CSIS, nhưng lặp lại đề nghị Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn và lâu dài hoạt động bồi lấn trên Biển Đông.
Theo chuyên gia Bonnie Glaser của CSIS, không phải ngẫu nhiên mà các tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ trở lại trên các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
“Trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, Bắc Kinh dường như đang gửi thông điệp tới Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy các lợi ích của mình trên Biển Đông, cho dù hậu quả của việc đó có thể là căng thẳng với Mỹ gia tăng”, bà Glaser nói.
Trước đó, hôm 5/8, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng khẳng định đã chấm dứt hoạt động bồi lấn trên Biển Đông. Tuy nhiên, đến ngày 16/9, chính ông Vương đã phát biểu từ Bắc Kinh rằng, việc xây dựng tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông là “cần thiết” để cải thiện điều kiện sống tại đây.
“Tôi muốn tái khẳng định rằng quần đảo Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc”, ông Vương phát biểu với các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh, sử dụng cách gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. “Việc này hoàn toàn được chứng minh bằng thực tế lịch sử và pháp lý”.
“Hoàn toàn dễ hiểu khi Trung Quốc gìn giữ chủ quyền lãnh thổ của mình và ngăn ngừa những lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”, ông Vương lớn tiếng tuyên bố.
Bà Glaser tin rằng việc Trung Quốc xây dựng đường băng thứ ba sẽ làm dấy lên câu hỏi liệu nước này sẽ thách thức tự do đi lại trên biển và trên không trong tương lai.
“Việc hoạt động bồi lấn vẫn tiếp diễn, cùng với quá trình xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng cho thấy rõ sự không sẵn lòng của Bắc Kinh trong việc thực hiện kiềm chế và tìm giải pháp ngoại giao để giảm bớt căng thẳng”, chuyên gia Glaser cho biết.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét