Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Con nhà giàu mới nổi Trung Quốc đổ bộ trường học Mỹ

Con cái lớp nhà giàu mới nổi ở Trung Quốc nay tới Mỹ học chủ yếu với mục tiêu nâng cao địa vị xã hội, mở rộng cơ hội việc làm chứ không vì khát khao cống hiến, xây dựng đất nước như thế hệ trước
Anh-1-9109-1441531218.jpg
Sinh viên Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại Đại học California Los Angeles (UCLA). Ảnh: Los Angeles Times
Năm 1996, nhờ một suất học bổng, Lingjia Hu đến Mỹ theo học chương trình sau tiến sĩ tại Trường Y khoa, Đại học Colorado. Quê hương cô ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, nơi có bệnh viện Tương Nhã là một trong những cơ sở y tế tốt nhất Trung Quốc thời đó nhưng bóng đèn thỉnh thoảng vẫn tắt vì nguồn điện không ổn định.
Được nuôi dạy trong gia đình có bố mẹ đều là bác sĩ, Hu cho biết muốn "cứu giúp đất nước bằng khoa học". Nhưng rồi cô không có cơ hội trở về quê hương. Khi chuyển đến Colorado, Hu ở trọ chung với một gia đình người Mỹ. Sau đó, cô lập gia đình, sinh con và định cư ở thành phố Denver.
Yikun Wang năm nay chuẩn bị bước vào năm cuối tại Đại học Đông Bắc, thành phố Boston, Mỹ. Wang sinh trưởng ở thành phố An Huy, khu vực nghèo của Trung Quốc, nhưng anh đã trả đầy đủ học phí lên tới 44.000 USD/năm để theo học tại Đại học Đông Bắc. Wang thuê nhà trọ cùng hai sinh viên Trung Quốc khác. Wang nói anh thường thấy sinh viên Trung Quốc lái những chiếc xe sang trọng vào trung tâm thành phố để vung tiền mua sắm dịp cuối tuần.
Wang học khoa tài chính kinh tế với hy vọng tìm một công việc tốt trong ngành ngân hàng sau khi ra trường. Wang muốn ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp. Song, trong mắt những du học sinh Trung Quốc khác trên đất Mỹ, suy nghĩ của anh là bất thường. Wang cho hay nhiều sinh viên Trung Quốc chỉ xem du học Mỹ là một trải nghiệm thú vị hay chuyến du hí kéo dài 4 năm mà thôi.
Giấc mơ Trung Quốc
Anh-3-3377-1441531218.jpg
Hình ảnh du học sinh Trung Quốc thuộc tầng lớp "phú nhị đại" khác xa du học sinh Trung Quốc thế hệ thập niên 1980. Ảnh: AFP
Gần hai thập kỷ qua, hình ảnh du học sinh Trung Quốc tại Mỹ thay đổi rất nhiều. Hu và Wang chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc thực hiện hành trình du học xuyên Thái Bình Dương nhưng họ chính là đại diện cho hai thế hệ du học sinh rất khác biệt.
Đầu thập niên 1980, chủ tịch Trung Quốc lúc này là ông Đặng Tiểu Bình công bố chính sách mở cửa, cho phép một bộ phận sinh viên và học giả Trung Quốc sang Mỹ du học sau nhiều thập kỷ tự tách biệt. Du học sinh Trung Quốc đến Mỹ khi đó là đại diện cho các thành phần ưu tú nhất của đất nước.
Với những suất học bổng quốc tế và từ chính quyền Bắc Kinh, họ tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khó, bất ổn để tới miền đất hứa. Đa số đều muốn ở lại Mỹ để có cơ hội nhận thẻ xanh, kiếm công việc ổn định, hòa nhập với xã hội. Nói cách khác, họ theo đuổi giấc mơ Mỹ, theo Foreign Policy.
Nhưng, đối với nhiều du học sinh hiện tại, thời gian sống ở Mỹ chỉ là bước đệm để thực hiện giấc mơ Trung Quốc hay là tiêu chuẩn để họ tiếp thị bản thân trên thị trường lao động.
Nhờ kinh tế phát triển, hình ảnh sinh viên Trung Quốc rụt rè, cần mẫn của thập niên 1980 được thay thế bằng hình ảnh của những sinh viên thuộc tầng lớp phú nhị đại (fu’erdai) hay thế hệ giàu có thứ hai. Họ là con cái của lớp nhà giàu mới ở Trung Quốc, nổi lên từ những năm đầu thời kỳ cải cách. Các sinh viên này du học để trở về giúp điều hành công việc kinh doanh gia đình. Họ tự đóng học phí và thường theo học các ngành tài chính, kinh tế, quản trị kinh doanh.
Khi Erhfei Liu nhập học năm hai ở Đại học Brandeis, bang Massachusetts, vào năm 1981, anh là sinh viên Trung Quốc thứ hai được nhận tại ngôi trường này. Quốc tịch Trung Quốc của anh chỉ đơn giản là sự bổ sung thú vị cho tính đa dạng của tập thể sinh viên ở đây.
"Tôi là thú quý hiếm từ Trung Quốc", Liu nói, "một người xa lạ đến từ mặt trăng".
Trái ngược với hoàn cảnh của Liu, trong niên khóa 2014-2015, có tổng cộng 423 sinh viên cao học và 248 sinh viên chưa tốt nghiệp gốc Trung Quốc đang theo học tại trường Brandeis.
Ở trung tâm nước Mỹ, du học sinh Trung Quốc cũng đông không kém. Năm nay, có hơn 2.800 sinh viên Trung Quốc theo học ở bang Colorado. Con số thậm chí còn cao hơn nữa ở bang Illinois.
"Đi giữa Đại học Illinois Urbana-Champaign", nơi mới tuyển sinh gần 5.000 sinh viên Trung Quốc hồi năm ngoái, "giống như đi giữa khu mua sắm đông đúc ở Thượng Hải vậy", Mark Montgomery, người sáng lập công ty tư vấn du học American Academic Advisors trụ sở ở Hong Kong, nhận xét.
Giàu hơn sinh viên Mỹ
Anh-2-5568-1441531218.jpg
Sinh viên Trung Quốc tại lễ tốt nghiệp của Đại học Columbia ngày 20/5. Ảnh:Xinhua
Khoảng cách giữa các thế hệ du học sinh Trung Quốc càng lớn khi nền kinh tế nước này chuyển đổi mạnh mẽ từ chỗ què quặt trở thành người khổng lồ toàn cầu.
"Chúng tôi đến Mỹ không xu dính túi. Chúng tôi không có tiền đi ăn ở ngoài, không tham gia các buổi tiệc tùng và nghĩ rằng tất cả sinh viên Mỹ đều thực sự giàu có", Erhfei Liu nói khi hồi tưởng về những năm tháng đại học của anh.
"Lúc đó, mức lương tối thiếu ở Mỹ dường như là con số quá lớn đối với chúng tôi", anh giải thích. "Người bạn của tôi là con gái một trong 10 quan chức quyền lực nhất Trung Quốc nhưng khi đến Mỹ, cô ấy phải làm làm giúp việc bán thời gian trong ba năm để chi trả các khoản vay đóng học phí".
Năm Liu tốt nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 249 USD/năm.
Thu nhập đầu người của Trung Quốc hiện nay là trên 7.593 USD/năm, cao gấp 30 lần mức năm 1984. Tăng trưởng kinh tế nhanh thần kỳ sản sinh ra hàng chục tỷ phú và đưa hàng trăm triệu người dân Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu đang nở rộ, với tiềm lực tài chính đủ mạnh để gửi con ra nước ngoài du học và trả học phí trọn gói.
Những cửa hàng của công ty Bergdorf Goodman và Bloomingdale’s chuyên bán đồ cao cấp và xa xỉ phẩm tại Mỹ thường xuyên tài trợ các sự kiện nhằm mời gọi hầu bao của sinh viên Trung Quốc.
Bergdorf Goodman từng tài trợ tiệc chào đón tết cổ truyền cho sinh viên Trung Quốc hồi tháng một năm ngoái tại Đại học New York và Đại học Columbia, nơi có hàng nghìn sinh viên Trung Quốc theo học. Bloomingdale’s thì tài trợ cho chương trình biểu diễn thời trang của sinh viên Trung Quốc ở thành phố Chicago vào tháng 11.
Những câu chuyện trên cho thấy lớp du học sinh Trung Quốc mới dường như còn giàu có hơn các bạn cùng trang lứa người Mỹ.
Theo Jing Li, sinh viên năm cuối Đại học California Los Angeles (UCLA) mức chênh lệch giữa sinh viên quốc tế và sinh viên trong nước ở những đại học công lập là rất lớn. Ví dụ như ở UCLA, học phí của sinh viên quốc tế cao hơn nhiều so với sinh viên California. Chi phí sinh hoạt ở khu vực Beverly Hills cũng rất tốn kém.
"Các bạn người Mỹ của tôi ở bang California đã sốc khi tôi tiết lộ cho họ biết mình phải trả bao nhiêu để học ở UCLA", Jing nói.
Thể hiện đẳng cấp
Không chỉ chiếc ví "dày cộp" tạo ra sự phân cách giữa du học sinh Trung Quốc thế hệ trước đây với ngày nay, nhiều người cho rằng mục tiêu học hành và động lực lôi kéo sinh viên Trung Quốc sang Mỹ nay cũng khác trước. Nhìn chung, du học sinh Trung Quốc thế hệ trước có lý tưởng và yêu nước hơn.
Danchi Wang, từng học ở Đại học Wellesley vào thập niên 1980, nói cô theo đuổi học hành ở Mỹ vì muốn "cải thiện bản thân để có thể đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc". Wang từng khát khao trở thành "Marie Curie của Trung Quốc". Đó cũng là khát vọng chung của bạn bè cô tại thời điểm đó.
Hầu hết du học sinh Trung Quốc ngày nay thì không hướng đến mục tiêu lớn lao như thế, theo Foreign Policy.
Danchi Wang nhận thấy nhiều bạn trẻ Trung Quốc đến Mỹ học chỉ để giúp cho bản thân họ dễ xin việc hơn sau khi ra trường. Điều này được phản ánh qua việc ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc chọn các ngành như thương mại, tài chính hay quản trị kinh doanh.
Đối với Zhao Yong, sinh viên cao học ở Trường lâm nghiệp Yale, "thực sự chỉ có hai con đường cho du học sinh Trung Quốc tốt nghiệp đại học Mỹ là làm việc trong ngành tài chính hoặc các công ty công nghệ thông tin lớn".
Theo Jiang Xueqin, nhà giáo dục và là tác giả cuốn sách Creative China, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc còn muốn "giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa tài sản của họ". Gửi con ra nước ngoài học là cách để tạo tiền đề chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Cho con du học cũng là chiêu bài để nâng cao địa vị xã hội của gia đình hay thể hiện đẳng cấp.
"Ở Trung Quốc hiện nay, có con đi du học cũng giống như sở hữu một chiếc xe BMW hay túi xách hiệu Louis Vuitton", Jiang so sánh.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons