Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có khả năng trở thành một chiến trường mới “khắc nghiệt” trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát biển Đông giữa Trung Quốc đối với Mỹ.
Mỹ đã đưa tàu khu trục đến tuần tra ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Viêt Nam - Ảnh: US Navy |
Trung Quốc sẽ tiếp tục ngoan cố
Cả giới chuyên gia an ninh nước ngoài và của Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh sẽ ngoan cố "không thỏa hiệp" về quần đảo Hoàng Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép từ Việt Nam.
Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục dùng chiêu không chịu thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là khu vực đang tranh chấp.
Hãng tin Reuters dẫn lời giới chuyên gia an ninh nhận định Washington và Bắc Kinh đang đối mặt với nguy cơ leo thang về việc ăn miếng trả miếng liên quan đến tình hình ở quần đảo Hoàng Sa.
Lý giải nguyên nhân này, giới chuyên gia cho rằng do Trung Quốc đang có những động thái ngày càng hung hăng, nhằm mục đích đòi chủ quyền phi lý ở khu vực này. Cùng lúc là sự hiện diện quân sự của Mỹ ngày càng tăng ở biển Đông.
“Chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn, Trung Quốc sẽ không chịu nhúc nhích về những gì mà nước này cho rằng đó là quyền lãnh thổ “cố hữu” của họ”- ông Trương Bảo Huy, một chuyên gia về an ninh ở trường đại học Lĩnh Nam của Hong Kong nhận định.
Nhật báo Quân đội Trung Quốc (PLA Daily) trước đó từng tuyên truyền rằng hiện nay binh lính Trung Quốc chiếm đến ¾ số người đang cư trú trên đảo Phú Lâm.
Tờ báo này không cho biết hiện có bao nhiêu người Trung Quốc cư trú trái phép trên đảo này cũng như các đảo khác thuộc quần đào Hoàng Sa.
Song, báo South China Morning Post dẫn các nguồn báo cáo trước đó từ Bắc Kinh thống kê hiện có khoảng hơn 1.000 người Trung Quốc đang cư trú trái phép ở Hoàng Sa.
Ông Trương nhận định Bắc Kinh có thể sẽ hành động nhanh và cứng rắn đối với bất kỳ động thái nào mà nước này cho là “khiêu khích” ở quần đảo Hoàng Sa.
Bằng chứng, từ khi Mỹ đưa tàu khu trục USS Curtis Wilbur tiến gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc ngay lập tức đã thị uy bằng cách triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9. Và, ngay sau đó là tái triển khai máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm.
Động thái khiến Washington phản ứng bằng hàng loạt cáo buộc Bắc Kinh đang quân sự hóa ở biển Đông.
Mỹ phản ứng
Biển Đông là tuyến đường thương mại huyết mạch nối giữa các nền kinh tế lớn ở Đông Á với Nam Á, Trung Đông và châu Âu.
Chính vì vậy khi mối quan ngại mang tính khu vực đang dâng cao, Washington không muốn bị xem là nước có lập trường quá mềm mỏng và không có phản ứng trước bất kỳ động thái nào của người Trung Quốc trên tuyến đường này. Mỹ đã cam kết sẽ có thêm nhiều “cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải” trong khu vực.
Tuy thế, chuyên gia thuộc Viện xã hội học Trung Quốc, ông Học Lực mới đây còn cho rằng Trung Quốc đang muốn áp dụng chiến lược mà nước này chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, sang sử dụng ở quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang xây dựng bồi đắp trái phép ít nhất bảy đảo nhân tạo.
Một số ý kiến còn cho rằng những loạt triển khai khí tài quân sự gần đây của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm cho thấy ý đồ muốn bảo vệ tốt hơn cho hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.
Hạm đội này có thể bao gồm nhiều tàu vũ trang hạt nhân, đã được triển khai đến Hải Nam trong vài năm trở lại đây. Chính điều này khiến cho đảo Hải Nam trở thành trọng tâm đánh chặn hạt nhân của Bắc Kinh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét