Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc (PLA), ngày 29/2 cho biết, các cấu trúc khác nhau, gồm các tòa nhà công quyền, được xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm để “chứng minh chủ quyền của Trung Quốc”.
Theo tờ này, một bệnh viện cùng tháp truyền hình vệ tinh đã được khánh thành và các công trình gần đây đã cải thiện đáng kể nguồn cung cấp điện, nước. Tỷ lệ nhân viên quân sự so với dân thường trên đảo Phú Lâm là 3/1,PLA Daily ngang nhiên viết.
Dù tờ báo không đưa ra con số cụ thể, nhưng truyền thông Trung Quốc trước đó cho hay, cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm có khoảng 1.000 người vào năm 2013.
Tờ nhật báo của quân đội Trung Quốc tiếp tục ngang ngược viết: "Một tàu du lịch của Trung Quốc thường xuyên hoạt động trên lộ trình từ đảo Hải Nam tới vài đảo ở Hoàng Sa. Trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc xây dựng tòa các nhà chính quyền, một bưu điện, ngân hàng hợp tác xã nông thôn, siêu thị, tiệm cắt tóc và cửa hàng bán nước giải khát". Trung Quốc thậm chí còn phủ sóng trái phép điện thoại di động 4G và kết nối Internet thông qua dây cáp ngầm dưới biển trên đảo Phú Lâm.
Xue Li, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, thể hiện sự vô căn cứ khi nói việc phát triển cơ sở dân sự và đẩy mạnh hoạt động là nhằm “khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”. “Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật hành động thay vì lời nói và giờ đây công bố sự hiện diện của nước này ở Hoàng Sa”, Xue biện bạch.
Ông này cho hay, cư dân trên đảo Phú Lâm là quan chức và nhân viên chính quyền của cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng gia đình những người này và thân nhân các binh sĩ.
Năm 1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và từ đó xem quần đảo là tiền đồn của nước này ở Biển Đông. Nó cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150 hải lý.
Ngoài các binh sĩ đóng trái phép trên đảo Phú Lâm, Bắc Kinh gần đây triển khai hệ thống phòng không HQ-9 tiên tiến cùng chiến đấu cơ J-11 tới khu vực mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Các động thái này diễn ra sau khi tàu khu trục Mỹ Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 1.
Vào giữa tháng 2, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.
Đến ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.
Những hành động của Trung Quốc vấp phải chỉ trích dữ dội của thế giới, bao gồm giới chức quân sự Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 1/3 cảnh báo Bắc Kinh không được theo đuổi quân sự hoá ở Biển Đông. "Những hành động cụ thể sẽ dẫn đến hậu quả tương ứng", ông Carter nói.
Ngày 25/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh, các hành động quân sự hoá của Trung Quốc đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét