Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Trung Quốc đang làm gì để trở thành siêu cường toàn cầu?


Với việc nỗ lực cải cách mọi phương diện quân sự, Trung Quốc đã đưa ra một dấu hiệu mạnh mẽ về việc sẽ cạnh tranh với Mỹ với tư cách một siêu cường toàn cầu.

Trong đó, chỉ dấu rõ ràng nhất là việc Bắc Kinh có kế hoạch thành lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Dự kiến, công trình đầu tiên sẽ được khởi công vào cuối tháng 3/2016 ở Djibouti – một quốc gia án ngữ giữa Hồng Hải và Vịnh Aden, Ấn Độ Dương.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã mất 10 năm cho quá trình thuyết phục quốc gia sở tại cho phép đặt căn cứ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng chưa xác nhận một cách chi tiết về khái niệm “phương tiện hỗ trợ quân sự” của các căn cứ này.
Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng trở thành siêu cường toàn cầu.
Mục đích của việc thiết lập các căn cứ hải ngoại đã được tuyên bố chính thức là để phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ “hậu cần và gìn giữ hòa bình” trong khu vực Vịnh Aden, ngoài khơi Somalia cũng như các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo khác trong khuôn khổ các chiến dịch của Liên Hợp Quốc.
Căn cứ mới của Trung Quốc sẽ được xây dựng gần các căn cứ của Mỹ ở Djibouti nói riêng và trong khu vực châu Phi nói chung.
Trên thực tế, đây có thể coi là nước cờ địa - chiến lược đột biến của Trung Quốc. Sự xuất hiện của các căn cứ hải ngoại sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ tuyến đường vận chuyện dầu từ bán đảo Arab về Trung Quốc.
Ngân sách cắt giảm, quân số thu gọn
Theo một thông báo công bố vào ngày 12/3/2016, ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng 7,6% trong năm 2016. Nhìn bên ngoài, đây có vẻ là mức khá khiêm tốn so với mức tăng 2 con số so với những năm trước nhưng trên thực tế, đây vẫn là ngân sách ở mức cao.
Theo thông báo từ tháng 9/2015, Trung Quốc sẽ cắt giảm 300.000 quân nhân trong biên chế đúng lúc diễn ra cuộc duyệt binh khổng lồ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Dù vậy, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa vẫn duy trì trong lực lượng quân sự lên tới hơn 2 triệu người.
Đây là một phần trong chương trình cải tổ quân đội dự kiến kéo dài 2 năm, với đối tượng cắt giảm chủ yếu là lực lượng sĩ quan, gồm cả sĩ quan chính trị.
Trung Quốc liên tiếp thu gọn bộ máy quân đội.
Trong tháng 2/2016, 7 đại quân khu đã được điều chỉnh giảm xuống còn 5, tương đương với 5 vị trí: Bắc, Nam, Đông, Tây, trung tâm. Nhiều cơ quan hậu cần, nhân sự và chính trị của quân đội được đưa vào diện quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương.
Quân đội Trung Quốc đang trong tiến trình chuyển đổi từ một quân đội có lực lượng chủ yếu là lục quân trở thành một quân đội hợp nhất các lực lượng lục quân, hải quân, không quân, pháo binh dưới một sự chỉ huy chung, thống nhất.
Hướng phát triển này không chỉ nhằm để nâng cao hiệu quả hoạt động của quân đội mà còn nhằm tăng cường sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với lực lượng vũ trang, giảm thiểu tình trạng “cục bộ” từng diễn ra trong quá khứ.
Xuất khẩu vũ khí
Xét về năng lực xuất khẩu vũ khí, trải qua hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã vươn lên đứng hàng thứ ba thế giới trong lĩnh vực này, sau Mỹ và Nga.
Tháng trước, tiêm kích J-10 của Trung Quốc đã nhận được đơn đặt hàng tại Triển lãm hàng không Singapore Airshow. Các chuyên gia suy đoán, chủ nhân đơn hàng này có thể là Pakistan, Iran hoặc Syria.
Thế nhưng, xuất khẩu vũ khí không chỉ mang lại những nguồn thu tài chính, đây là một dấu hiệu cho sự gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế hoặc chí ít cũng là bảo trợ các đồng minh chính trị.
Những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đánh dấu bước hiện đại hóa thông qua việc thành lập cụm tàu sân bay chiến đấu xung kích, dựa trên việc mua lại và hoàn thiện tàu sân bay đóng dở từ thời Liên Xô của Ukraine. Từ 2012, Không quân Hải quân Trung Quốc đã làm chủ được kỹ thuật cất/ hạ cánh trên tàu sân bay với tiêm kích hạm J-15. Hiện, nước này có kế hoạch đóng mới tàu sân bay, dựa trên những kinh nghiệm làm việc với tàu sân bay đầu tiên.
Sở hữu hạm đội tàu sân bay là một chỉ dấu hình thành lực lượng “hải quân biển sâu”, ám chỉ khả năng vươn tầm ảnh hưởng trên biển từ các vùng nước gần bờ tới các đại dương lớn.
Vượt ngoài biên giới
Tương ứng với cấp độ phát triển trong nước, Trung Quốc lại đánh dấu “sự trưởng thành” của mình bằng các hành động từng bước tiếp cận cách hành xử của một siêu cường toàn cầu, một ngưỡng cửa chưa từng có trong lịch sử hiện đại của đất nước này.
Bắc Kinh thể hiện rõ ý muốn cạnh tranh với Washington
Trong con mắt của các chuyên gia phương Tây, từ trước tới nay, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ bảo vệ đất nước, tính từ biên giới Trung Quốc trở vào trong bởi trong các tuyên bố trước đây, Trung Quốc từ chối các hành động bị coi là cách hành xử kiểu chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa phát xít, trong đó có cả việc mở các căn cứ quân sự ở hải ngoại.
Thế nhưng, những nỗ lực khôi phục vị thế quốc gia và vì các mục đích đối nội, đặc biệt là việc củng cố vị thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở trong nước, Bắc Kinh ngày càng thể hiện rõ ý định vươn tầm với ra ngoài biên giới nước này.
Càng ngày việc Trung Quốc hành xử trái ngược với tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” càng đậm nét. Trung Quốc thể hiện rõ ràng ý muốn cạnh tranh với Hoa Kỳ, không chỉ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở biển Đông cho tới việc thăm dò phản ứng trong các sự kiện quốc tế.
Năng lực vũ khí tầm xa, tàu sân bay và các căn cứ ở nước ngoài đều là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc mong muốn sẽ trở thành một siêu cường toàn cầu mà không cần tham gia bất kỳ một cuộc chiến nào, tuy nhiên Bắc Kinh đang đi trên một con đường đầy nguy hiểm và chông gai.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons