Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Australia đổ tiền sắm vũ khí kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông

Nguồn tiền khổng lồ mà Australia rót vào quốc phòng trong thời gian gần đây nằm trong kế hoạch dài hơi nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.


australia-do-tien-sam-vu-khi-kiem-che-trung-quoc-o-bien-dong
Hải quân Australia trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP
Ngày 25/2, Australia, một đồng minh thân cận của Mỹ công bố Sách Trắng quốc phòng mới, theo đó ngân sách dành cho quân đội trong năm 2016-2017 sẽ lên đến 32,4 tỷ đô la Australia, tương đương 23 tỷ USD; và đến năm 2025-2026, con số này sẽ tăng lên 41 tỷ USD.
Đây được coi là động thái mới nhất của Australia nhằm mục đích kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, theo Le Monde.
Chiến lược dài hơi
Peter Hartcher, giáo sư thuộc viện Nghiên cứu chính trị Lowy Sydney cho rằng mặc dù vẫn duy trì quan hệ kinh tế nồng ấm với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu, Canberra từ lâu vẫn cảnh giác và chuẩn bị các biện pháp đối phó trước sự phát triển và bành trướng ngày càng nhanh của Bắc Kinh.
Điều này được thể hiện qua cuộc đối thoại vào năm 2009 giữa Thủ tướng Australia Kevin Rudd với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, mới được Wikileaks tiết lộ. Ông Kevin Rudd khi đó khẳng định bên cạnh các biện pháp chính trị nhằm đưa Trung Quốc hòa nhập với cộng đồng thế giới, Australia và Mỹ cũng cần "chuẩn bị triển khai lực lượng nếu mọi việc không đi đúng hướng".
"Nội dung cuộc đối thoại do Wikileaks tiết lộ này chưa bao giờ bị phủ nhận bởi lãnh đạo hai nước. Điều đó cho thấy hai đồng minh thân cận đã nhất trí về một chiến lược dài hơi để kiềm tỏa và ngăn chặn Trung Quốc. Chính vì vậy, Australia lúc đó đã có kế hoạch tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng", Peter Hartcher nhận định.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị gián đoạn dưới thời của nữ thủ tướng Julia Gillard, bởi chính phủ của bà nhận thấy không cần thiết phải xây dựng lực lượng hải quân mạnh và đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Chi tiêu quân sự 3 năm dưới thời bà Gillard (2010-2013) tính theo GDP giảm từ 2% xuống còn 1,5%, mức thấp nhất kể từ Thế chiến II.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2013, Thủ tướng Tony Abbott cam kết tăng lại ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP. Điều này cho thấy quyết tâm tăng cường sức mạnh quân đội của các lãnh đạo Canberra chưa bao giờ suy giảm. 
"Giờ đây Sách Trắng quốc phòng do chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull công bố chính là sự kết hợp cả tầm nhìn quân sự của cựu Thủ tướng Rudd với quyết tâm khôi phục ngân sách quốc phòng của ông Abbott. Những quan ngại về Trung Quốc mà ông Rudd đưa ra 7 năm trước đã trở thành hiện thực, và ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận", ông Hartcher khẳng định
Kiềm chế tham vọng Biển Đông của Trung Quốc
Sách Trắng quốc phòng mới của Australia ghi rõ nguyên nhân để Canberra tăng mạnh chi tiêu quốc phòng là bởi nước này đang phải đối mặt với một bối cảnh địa chính trị đầy biến động và khó khăn nhất chưa từng có trong thời bình. Theo đó, trong 20 năm tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ chứng kiến một quá trình chạy đua vũ trang mạnh mẽ nhất với sự hiện diện của một nửa số tàu ngầm và chiến đấu cơ của thế giới.
Caroline Taix, bình luận viên châu Á kỳ cựu của Le Monde, nhận định rằng trong bối cảnh phức tạp đó, mối quan ngại chính của nước này là sự trỗi dậy thành cường quốc quân sự của Trung Quốc. Chính vì thế, Canberra đã yêu cầu Bắc Kinh phải tăng tính minh bạch trong chính sách quốc phòng, đặc biệt là các động thái trên Biển Đông, nơi mà các yêu sách về chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Sự lo ngại về khả năng bành trướng trên Biển Đông của giới lãnh đạo Australia càng được khẳng định khi Canberra chủ yếu tập trung đầu tư vào lực lượng hải quân.
Với ngân sách 50 tỷ USD, từ nay đến năm 2030, hải quân Australia có kế hoạch đặt đóng 12 tàu ngầm, ba khu trục hạm, 9 hộ tống hạm và 12 tuần dương hạm. Lực lượng không quân của hải quân cũng được tăng cường 72 chiến đấu cơ loại F-35.
Australia thời gian gần đây đã liên tục lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về các hoạt động quân sự hóa cũng như có các động thái để thể hiện thái độ với yêu sách trên biển của nước này. Hồi giữa tháng hai, Canberra yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt quân sự hóa trên các đảo ở Biển Đông. Trước đó không quân nước này cũng quyết định tham gia vào các hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải hàng không do Mỹ dẫn đầu.
Theo bình luận viên Taix, lãnh đạo Australia làm như vậy là để khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông: phản đối việc xây dựng các đảo nhân tạo với mục đích quân sự. Việc Trung Quốc bồi đắp, tôn tạo trái phép các bãi san hô trong khu vực đang có tranh cãi về chủ quyền, thành đảo nhân tạo và xây dựng đường băng trên đó là biểu hiện rõ ràng nhất của quá trình quân sự hóa.
"Quyết định củng cố lực lượng hải quân của Australia được đưa ra vào thời điểm đặc biệt quan trọng. Sách Trắng quốc phòng mới nhất khẳng định họ sẽ không dừng bước. Việc xây dựng lực lượng hải quân mạnh có thể làm rối loạn các kế hoạch của bất cứ đối thủ nào, Peter Hartcher bình luận. 

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               
           DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE 
              VĂN PHÒNG 0906143408 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons